Hàng chục ha đất ruộng bị vùi lấp
Xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) nằm dưới chân những núi cát chạy dài theo bờ biển được coi là một vùng rốn lũ của huyện. Hầu như năm nào nước lũ cũng một vài lần nhấn chìm xã Hồng Thủy. Mấy năm gần đây, ngoài lũ nước, người dân Hồng Thủy còn phải thường xuyên gánh thêm những trận lũ cát tràn vào làng.
|
Người dân Hồng Thủy trồng dứa dại gia cố các bờ khe bị vỡ. |
Ông Lê Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, toàn xã có 4 khe nước chảy từ sau động cát ra. Trước đây, đó chỉ là những khe nhỏ nên không ảnh hưởng gì lớn. Nhưng vài năm trở lại đây, những cái khe đó ngày càng mở rộng; đặc biệt là vào mùa mưa, nước khe chảy mạnh, kéo theo cát tạo thành những dòng “lũ cát” tràn vào nhà dân, lấp hết đất ruộng, đe dọa cuộc sống của hơn 500 hộ dân trong toàn xã.
Theo chân ông Thành, chúng tôi tìm về thôn Mốc Định. Khe nước chảy qua thôn Mốc Định qua nhiều năm bây giờ như một dòng lũ dữ. Điều đáng sợ là nước khe đem theo cát ngày một đôn cao hai bên bờ, người dân đắp 2 triền đê cao kéo dài theo bờ khe nên bây giờ con khe đã cao hơn nhà dân gần 2m. Chính vì vậy, ở nhiều đoạn khe bị vỡ, nước và cát cứ thế nhanh chóng tràn vào nhà dân, lấp hết ruộng vườn của họ.
Ông Phạm Cung, người dân ở đây cho biết, sau mỗi mùa mưa lũ, cát trắng cứ theo những vết vỡ của khe vùi lấp cả vùng rộng lớn.
Chỉ tay về cánh đồng trước mặt, ông Cung nói: “Chỗ này xưa là một cánh đồng màu mỡ rộng trên 10ha, nhưng mấy năm nay nó đã trở thành vùng đất hoang hóa. Không có đất sản xuất, chúng tôi phải gồng mình đào cát, cải tạo lại đất mất rất nhiều công sức để sản xuất nhưng năng suất thì không đáng kể”.
Nguy cơ xóa sổ một thôn
Rời Mốc Định, chúng tôi đến thôn Thạch Trung. Tình hình ở thôn Thạch Trung còn nghiêm trọng hơn khi trong vòng 2 năm qua đã có gần 10 hộ dân không ở nổi đã phải di dời. Cả xóm có trên 10 hộ dân nằm dưới chân khe Thạch Trung giờ chỉ còn lại 2 bố con ông Phạm Bá Nhuận (80 tuổi) và Phạm Văn Việt còn bám trụ lại.
Theo các nhà khoa học, vùng đồi cát Quảng Bình thường cao hơn vùng đất kế cận khoảng 10m. Trước đây, ở vùng cát, những cánh rừng phi lao phòng hộ được trồng và giữ rất tốt nên hạn chế được những dòng nước lớn chảy ra. Mấy năm gần đây, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, không giữ được nước nên xảy ra tình trạng “lũ cát” và thảm họa sẽ đe dọa vùng đất, xóm làng dưới chân đồi cát.
Ông Nhuận cho biết, gia đình ông sống ở đây đã hàng chục năm rồi nhưng 2 năm lại đây thì không chịu nổi với nạn “lũ cát” hoành hành. “Nhiều nhà không chịu nổi đã phải dời đi rồi, cha con tui cũng muốn đi lắm nhưng ngặt điều kiện khó khăn, không có tiền mà chuyển” – ông Nhuận nói.
Ông Hoàng Minh Hải – Trưởng thôn Thạch Trung cho biết, toàn thôn có trên 50 hộ dân, đều nằm trong tình trạng bị “lũ cát” đe dọa. Sau trận lũ hồi giữa tháng 10, nhiều triền đê của khe Thạch Trung bị vỡ, nước và cát theo đó cứ tràn vào nhà dân, lấp hàng chục ha đất ruộng.
Cả đêm, ông Hải phải huy động hàng trăm người dân trong thôn đắp Theo các nhà khoa học, vùng đồi cát Quảng Bình thường cao hơn vùng đất kế cận khoảng 10m. Trước đây, ở vùng cát, những cánh rừng phi lao phòng hộ được trồng và giữ rất tốt nên hạn chế được những dòng nước lớn chảy ra.
Mấy năm gần đây, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, không giữ được nước nên xảy ra tình trạng “lũ cát” và thảm họa sẽ đe dọa vùng đất, xóm làng dưới chân đồi cát.lại bờ đê bị vỡ nhưng tình hình vẫn không được cải thiện vì “lũ cát” quá mạnh.
“Cứ đà này nếu không có sự “can thiệp mạnh” thì thôn Thạch Trung e bị “xóa sổ” chứ chẳng chơi” – ông Hải lo lắng.
Theo ông Lê Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, mấy năm qua mỗi năm chính quyền xã phải tốn hàng chục triệu đồng thuê máy đào đất gia cố các bờ khe. Xã cũng huy động nhân dân trồng cây dứa dại để bảo vệ các bờ khe, tuy nhiên hiệu quả cũng không đáng kể. Để bảo vệ dân thì nhất định phải cứng hóa các bờ khe bằng bê tông (đúc ống bi); nhưng như vậy thì phải tốn một số tiền rất lớn, vượt qua khả năng của xã...
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.