Quảng Bình: Kỳ lạ tục mổ trâu, tháo xe máy chia cho người chết

Trần Anh - Lê Tập Thứ hai, ngày 03/02/2020 06:25 AM (GMT+7)
Bản Rào Con nằm biệt lập giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), là nơi sinh sống của người Vân Kiều. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục kỳ lạ, trong đó tục chia tài sản và việc mai táng người chết vẫn song hành cùng cuộc sống của họ.
Bình luận 0

Chia tài sản cho người chết

Già làng Hồ Văn Nghiêm, SN 1955, bản Rào Con, tâm sự: “Cái chết chỉ là cuộc hành trình giải thoát mọi đau khổ trần ai để đến thế giới cực lạc. Đến được thế giới đó, người chết phải cần có thời gian và tài sản để sử dụng”.

Trầm ngâm một hồi, già làng Hồ Văn Nghiêm mang rượu ra mời chúng tôi, khi tất cả đã uống cạn chén, Già làng kể: “Phong tục chia tài sản cho người chết có từ xa xưa. Nhà nào có người chết là phải chia tài sản trong nhà theo đầu người, phần của người chết phải đưa chôn theo, không để thiếu cái gì. Trong vòng ba ngày sau khi người đó chết phải chia hết, nếu thiếu con ma sẽ về đòi, cả nhà đó sẽ đau ốm triền miên”.

img

Cuộc sống biệt lập của người Vân Kiều tại bản Rào Con, Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Các vật dụng chôn theo người chết rất đa dạng, từ dụng cụ lao động như: cuốc, xẻng, dao, đến những đồ dùng sinh hoạt như: thau, chậu, chén đĩa, xoong nồi… Nếu có trâu cũng phải mổ trâu để cúng, có xe máy, xe đạp phải tháo một vài bộ phận của xe để chôn theo.

Số lượng hiện vật tài sản mai táng ở các ngôi mộ cũng khác nhau. Mộ của người giàu có nhiều đồ vật quý giá, sang trọng. Còn mộ của người nghèo chỉ có những vật dụng sinh hoạt đơn giản.

 “Nhờ tập tục chia tài sản cho người chết mà khi chiến tranh người Vân Kiều lưu lạc sang Lào, đến khi hòa bình lập lại họ dựa vào nguồn gốc này để về đào bới, tìm lại nguồn cội tổ tiên nơi họ đã từng sinh sống từ thời khai sinh lập địa”- Già làng Hồ Văn Nghiêm, cho hay.

Tháo cầu thang khỏi con ma vào nhà

Theo già làng Hồ Văn Nghiêm, người Vân Kiều nơi đây quan niệm rằng: người chết là bị con ma rừng bắt đi, nên nhanh chóng tổ chức tang lễ và đưa vào rừng chôn cất.

Để mai táng người chết chỉ cần chặt cây tre rừng chẻ nhỏ kết lại với nhau rồi cuốn quanh thi thể và đi chôn, nếu nhà nào có điều kiện hơn thì cuốn chiếc chiếu.

img

Người Vân Kiều không thờ cúng người chết trên bàn thờ mà họ đặt trên trần nhà một cái chén để tưởng nhớ người chết.

Tang lễ diễn ra rất nhanh, sau khi làm xong tấm mên tre là đưa người chết vào rừng đào một hố nông và chôn xuống, sau đó người nào chạy về nhà nấy. Riêng nhà có người vừa chết thì về nhà bắn ba phát súng nhằm tiễn người đã chết vào rừng ma, vĩnh viễn không được quay về làm phiền gia đình.

Để con ma không về nhà quấy rối, làm phiền người sống tất cả người dân trong bản tối đó đồng loạt tháo hết cầu thang cất trên nhà, để con ma về không có đường lên nhà mà tự bỏ đi.

Vì hoạt động chôn cất người chết diễn ra nhanh nên việc mai táng không được kỹ lưỡng, những ngôi mộ chỉ sau một thời gian ngắn đều bị mưa xói mòn làm nhiều vật dụng chôn theo và một số bộ phận thi thể người nổi lên mặt đất rất khiến ai nhìn cũng rợn người.

img

Đời sống của bà con dân bản ở Rào Con vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Gìn giữ phong tục, nên người Vân Kiều hiện nay cũng không thờ cúng người chết trên bàn thờ mà họ đặt lên trên trần nhà một cái chén để tưởng nhớ người chết. Khi mai táng người chết xong cũng không làm đám giỗ, họ quan niệm chết chia tài sản là hết.

Anh Hồ Văn Kiên - Trưởng bản Rào Con, cho biết: “Trước đây cuộc sống còn khó khăn, chưa biết làm hòm nên cuốn chiếu hoặc cuốn bằng tấm mên làm từ cây tre rừng, sau một thời gian mưa xói, một số bộ phận hài cốt và vật dụng chôn theo nổi lên mặt đất. Hiện nay, chỉ những hộ gia đình quá khó khăn không có tiền đóng hòm mới phải cuốn chiếu, còn những gia đình có điều kiện hơn đã biết cách dùng ván gỗ đóng thành hòm rồi mai táng người chết”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem