Quảng Bình: Máy bay không người lái giúp nông dân gieo sạ, bón phân trên "cánh đồng không dấu chân"
Quảng Bình: Máy bay không người lái giúp nông dân gieo sạ, bón phân trên "cánh đồng không dấu chân"
Trung Thuần
Thứ ba, ngày 14/05/2024 10:24 AM (GMT+7)
Tiếp nối thành công trong việc thực hiện mô hình nông nghiệp không dấu chân ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), Tổng Công ty Sông Gianh đang liên kết sản xuất mô hình này trên địa bàn thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình).
Vụ hè – thu năm 2024, Tổng Công ty Sông Gianh liên kết với UBND thị xã Ba Đồn, UBND xã Quảng Tiên cùng nông dân ở xã này thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân trên cánh đồng 4,5 ha.
Ghi nhận của phóng viên, tại cánh đồng ở thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), máy bay không người lái được áp dụng để gieo sạ, bón phân trên ruộng lúa.
Clip: Máy bay không người lái giúp nông dân gieo sạ, bón phân trên "cánh đồng không dấu chân" ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình)
Trò chuyện với PV, bà Đoàn Thị Lan (53 tuổi, ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Vụ hè – thu năm nay tôi làm 7 sào bằng giống lúa Hương Bình. Quá trình triển khai, Tổng Công ty Sông Gianh cung ứng vật tư nông nghiệp và đưa công nghệ máy bay không người lái vào sản xuất, người dân bớt vất vả hơn khi gieo sạ, bón phân đã có máy bay không người lái thực hiện".
"Tôi làm hơn 3 sào ruộng bằng giống Hương Bình và được Tổng Công ty Sông Gianh hỗ trợ gieo sạ, bón phân bằng máy không người lái. Tôi đứng trên bờ, thấy máy bay gieo sạ rất đều, loáng cái đã gieo xong. Cuối vụ, đơn vị này còn bao tiêu toàn bộ lúa tươi ngay tại ruộng cho bà con nông dân", ông Nguyễn Trí (78 tuổi, ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cho hay.
Ông Hoàng Văn Ngừng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Trong 3 năm qua, địa phương đã liên kết sản xuất lúa hữu cơ với Tổng Công ty Sông Gianh. Đặc biệt, sản xuất giống lúa Hương Bình chất lượng cao tại địa bàn 2 thôn: Tiên Phan, Tiên Sơn. So với việc sản xuất lúa thường, năng suất, chất lượng lúa gạo cao hơn và được công ty thu mua với giá cao ngay tại chân ruộng.
Hiện, chúng tôi đang liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân ở thôn Tiên Sơn trên diện tích gần 5ha. Quá trình làm đã giúp nông dân rút ngắn thời gian gieo trồng, an toàn cho bản thân và bớt vất vả hơn khi có máy bay không người lái ôm hết việc. Nếu đạt được năng suất như kỳ vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh để nhân rộng mô hình này", Ông Hoàng Văn Ngừng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), nói.
Ông Đặng Vũ Thái - Giám đốc Nhà máy Sản xuất giống cây trồng - Tổng Công ty Sông Gianh, chia sẻ: "Vụ hè - thu 2024, chúng tôi tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết sản xuất áp dụng máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Ba Đồn, đây là một vùng nguyên liệu của Tổng Công ty Sông Gianh trong thực hiện liên kết và chúng tôi hướng đến áp dụng máy bay vào sản xuất để giảm công sức cho người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Trong thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham mưa thực hiện các chích sách hỗ trợ cho người dân về giá giống, phân bón, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, vụ hè - thu năm 2024, đơn vị tích cực tham mưu và làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình để cấp nước đúng thời vụ.
Sau đó, phối hợp với Tổng Công ty Sông Gianh, UBND xã Quảng Tiên thực hiện mô hình nông nghiệp không dấu chân ở thôn Tiên Sơn với diện tích gần 5ha. Đây là bước đầu để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu với UBND thị xã Ba Đồn triển khai các kế hoạch để nhân rộng mô hình nông nghiệp không dấu chân".
Trước đó, như báo điện tử Dân Việt đưa tin, vụ đông – xuân 2024, trên cánh đồng 22ha ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) Tổng Công ty Sông Gianh cùng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình liên kết với nông dân Trần Duy Khánh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm.
Đây là mô hình đầu tiên ở miền Trung áp dụng cơ giới hóa, sản xuất khép kín, từ làm đất tới rải phân, gieo sạ, thu hoạch đều có máy móc làm hết việc. Cuối vụ, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao và được Tổng công ty Sông Gianh thu mua với giá cao hơn thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.