Trên cánh đồng "không dấu chân" dùng máy bay không người lái ở Quảng Bình, lúa đã vươn mầm xanh

Trung Thuần Thứ năm, ngày 01/02/2024 07:04 AM (GMT+7)
Trên cánh đồng ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) 3 nhà: "nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước" đang liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Hiện lúa đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đẻ nhánh, màu xanh của mạ non mơn mởn trên cánh đồng 22 ha.
Bình luận 0

Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, phóng viên tới thăm cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi đây 20 ngày trước đã triển khai gieo sạ, bón phân, bơm thuốc bằng máy bay không người lái, nông dân không còn cảnh "chân lấm, tay bùn".

Thời điểm này, tại cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy, lúa có màu xanh với mật độ đảm bảo và không cần nhiều công để tỉa dặm. 

Trên cánh đồng "không dấu chân" dùng máy bay không người lái ở Quảng Bình, lúa đã vươn mầm xanh- Ảnh 1.

Trên cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lúa đã vươn mầm xanh với mật độ đảm bảo. Ảnh: Trung Thuần

Phóng viên tới đúng lúc Tổng Công ty Sông Gianh dùng máy móc để bón phân thúc lúa đẻ nhánh, ở đầu bờ ruộng, cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Gianh điều khiển máy bay không người lái bay quanh ruộng đã định vị để rải phân.

Đang vác từng bao phân bón Sông Gianh đổ vào khoang chứa của máy bay không người lái, ông Nguyễn Văn Đưỡng (SN 1965, ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Sau khi cho nông dân Trần Duy Khánh thuê đất ruộng, một số bà con được anh Khánh thuê làm trên chính mảnh ruộng đó. Tôi cũng vậy, một ngày được trả công 300.000 đồng, các công việc làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đã có máy móc lo, tôi chỉ hỗ trợ bưng bê phân bón và tỉa dặm một số chỗ bị trũng nước".

Trên cánh đồng "không dấu chân" dùng máy bay không người lái ở Quảng Bình, lúa đã vươn mầm xanh- Ảnh 2.

Cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Gianh đang điều khiển máy bay không người lái để bón phân. Ảnh: Trung Thuần

Anh Trần Quang Hùng – Cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Gianh, cho hay: "Tôi luôn có mặt tại cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy để giám sát, hỗ trợ nông dân Trần Duy Khánh về kỹ thuật sản xuất và theo dõi tình hình sinh trưởng rồi từ đó có phương án chăm sóc phù hợp, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn".

Nông dân Trần Duy Khánh (ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Trên diện tích 22ha tôi liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với tiêu sản phẩm. Hiện lúa sinh trưởng phát triển tốt, một màu xanh mướt đang phủ trên cánh đồng. Hiệu quả bước đầu của cánh đồng không dâu chân đó là giải phóng sức lao động cho nông dân, thời gian gieo sạ chỉ trong một ngày, lượng giống gieo giảm (4 kg/ sào), mật độ gieo đảm bảo, giảm chi phí nhân công dặm tĩa, bón phân, bơm thuốc.

Trên cánh đồng "không dấu chân" dùng máy bay không người lái ở Quảng Bình, lúa đã vươn mầm xanh- Ảnh 3.

Nông dân Trần Duy Khánh (ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bên cánh đồng "không dấu chân". Ảnh: Trung Thuần

"Những ngày này đang độ bón phân thúc lúa đẻ nhánh. máy bay không người lái của Tổng Công ty Sông Gianh đã giúp làm việc đó. Nhờ có máy móc hỗ trợ nên tính toán được lượng phân bón và tỉ lệ rải phân trên ruộng đều hẳn", nông dân Trần Duy Khánh.

Ông Nguyễn Văn Đề - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ việc tích tụ ruộng đất, khoảng 22ha ruộng của nông dân trên địa bàn được anh Trần Duy Khánh thuê lại và liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa. Phần lớn công việc trên cánh đồng này máy cày, máy bay không người lái làm hết, nông dân nay khỏe re, không còn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

"Tôi vừa ra thăm cánh đồng "không dấu chân" của anh Khánh, lúa đã vươn mầm xanh đều, đẹp trên ruộng lúa. Một số chỗ còn thưa chỉ cần thuê vài nông dân tỉa dặm một ngày là xong", Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề cho hay.

Trên cánh đồng "không dấu chân" dùng máy bay không người lái ở Quảng Bình, lúa đã vươn mầm xanh- Ảnh 4.

Nông dân đổ phân bón Sông Gianh vào máy bay không người lái để rải phân trên ruộng lúa. Ảnh: Trung Thuần

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình: Qua theo dõi đánh giá, đến thời điểm hiện nay, trên cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy, lúa đang bước vào giai đoạn dặm tỉa, mật độ đảm bảo, quá trình sản xuất không còn phụ thuộc vào người nông dân, thời gian gieo, bón phân bơm thuốc gọn trong một ngày. Với hiệu quả bước đầu của mô hình hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn liền với liên kết, bao tiêu sản phẩm Tổng công ty Sông Gianh, hứa hẹn sẽ nhân rộng trong các vụ tới.

Ông Đặng Vũ Thái - Giám đốc Nhà máy Sản xuất giống cây trồng - Tổng Công ty Sông Gianh, chia sẻ: "Vụ đông – xuân năm nay, đơn vị liên kết với nông dân Trần Duy Khánh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm.

Tổng Công ty Sông Gianh cung ứng toàn bộ giống, phân bón và các vật tư, máy móc để đảm bảo cho quá trình sản xuất khép kín. Điều đặc biệt, đây là mô hình đầu tiên ở miền Trung áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Với mục tiêu của Tổng công ty Sông Gianh nhằm thay đổi tư duy canh tác của người nông dân và hướng đến sản xuất hai vụ tại huyện Lệ Thủy tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu để Tổng công ty Sông Gianh thu mua".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem