Nông nghiệp công nghệ cao là phong trào, động lực
Theo báo cáo, Quảng Bình hiện có 12 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 100 ha gồm sản xuất rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu, trồng hoa…
Các cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao chủ yếu: Trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh…
Cây sâm Bố Chính đang được hồi sinh đầy giá trị trên đất Quảng Bình. Ảnh: Dân Việt
Trong chăn nuôi, tỉnh Quảng Bình có 3 cở sở lớn của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên nhiều khâu sản xuất.
Trong thủy sản, Quảng Bình có nhiều cơ sở nuôi trồng áp dụng công nghệ cao trong một số công đoạn sản xuất, cụ thể là những cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.
Ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (phải); ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Về lâm nghiệp, Quảng Bình đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, công nghệ nuôi cây mô và tưới tiết kiệm nước. Trên lĩnh vực chế biến gỗ đã áp dụng công nghệ cao trong ngâm tẩm chế biến gỗ MDF.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Bình được áp dụng trên khá nhiều lĩnh vực, đang trở thành phong trào của nhiều doanh nghiệp ở nhiều nơi. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực đang quan tâm tới việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Bình.
Hợp tác, chia sẻ lợi ích cùng nông dân
Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao vừa qua, nhiều ý kiến chung đánh giá những cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, thuận lợi, tạo giá trị cao hơn.Những thách thức của tỉnh Quảng Bình hiện nay là số cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, lĩnh vực hoạt động đơn giản, chưa đa dạng.
Đặc biệt, Quảng Bình chưa có các vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, còn thiếu ứng dụng công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao do đó chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Bình đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiên phong thực hiện trước. Để tích tụ đất sản xuất các doanh nghiệp cần hợp tác, chia sẻ lợi ích với bà con”.
“Quảng Bình phấn đấu trở thành địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương phát huy vai trò trách nhiệm cá nhân trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh công tác truyền thông khích lệ giới trẻ khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng những cam kết cụ thể” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật.
Tại Quảng Bình, có mô hình trồng, chế biến dược liệu sản phẩm sâm Bố Chính tại thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch. Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm triển khai mô hình trên diện tích 4ha. Qua 8 tháng, cây sâm sinh trưởng và phát triển thuận lợi, hứa hẹn cho thu hoạch tốt. Hiện, Công ty chuẩn bị các thiết bị máy móc hiện đại để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây sâm Bố Chính mở ra kỳ vọng sâm Bố Chính được hồi sinh, nhân rộng, là sản vật đặc trưng của Quảng Bình. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.