Quảng cáo "nổ" thực phẩm chức năng bị xử lý như thế nào?

Phi Long Chủ nhật, ngày 21/07/2024 14:05 PM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được phép, quảng cáo sai sự thật. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (còn gọi là thực phẩm chức năng) trên địa bàn.

Quảng cáo "nổ" thực phẩm chức năng bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Quảng cáo "nổ" thực phẩm chức năng bị xử lý như thế nào. Ảnh minh hoạ: BHD

Bộ Y tế cho biết, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Thời gian qua, tiếp diễn hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định về quảng cáo.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn; tiếp tục thực hiện Công văn số: 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, quảng cáo sai sự thật được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2018, "quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy mức độ, hành vi vi phạm.

Cụ thể, về xử phạt hành chính, theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội quảng cáo gian dối:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, các hành vi quảng cáo sai sự thật, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính và vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem