Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán Tân Sửu mà làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu, vì sao?

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ tư, ngày 20/01/2021 06:31 AM (GMT+7)
Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng hoạt động sản xuất tại làng gốm truyền thống Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) khá ảm đạm, đìu hiu.
Bình luận 0

Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì thời tiết thất thường cũng tác động không nhỏ đến tiến độ sản xuất của làng gốm Thanh Hà.

Làng gốm hơn 500 năm tuổi

Làng gốm Thanh Hà có lịch sử hình thành hàng trăm năm, là điểm du lịch văn hóa cộng đồng nổi tiếng, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, nên làng gốm yên ắng, đìu hiu vì quá vắng bóng khách tham quan.

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 1.

Cận Tết Nguyên đán, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu do vắng khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thủy (52 tuổi), chủ cơ sở sản xuất gốm tại Thanh Hà rầu rĩ nói: "Xưởng gốm của tôi ăn nên làm ra là nhờ có khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Nhưng vì Covid-19 nên tình hình sản xuất trong năm rất ảm đạm, sản phẩm làm ra bạn hàng lấy không bao nhiêu nên cứ chất trong kho. Đến dịp Tết Nguyên đán 2021 này thì chỉ làm thêm số lượng ít, chứ không làm nhiều như mọi năm".

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 2.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thủy đang xếp nồi gốm vào lò nung.

Vào dịp Tết những năm trước, cơ sở gốm của bà Thủy làm đa dạng các kiểu dáng bùng binh, tò he, nồi niêu để cung cấp cho thị trường. Nhưng năm nay chỉ làm cầm chừng vì nhu cầu tiêu thụ khá thấp. Đặc biệt là thời tiết mưa lạnh kéo dài, nắng yếu khiến công việc bị trì hoãn.


Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 3.

Tò he hình con trâu được làm nhiều để bán dịp Tết Tân Sửu 2021.

Đem những tượng ông Táo vừa mới đúc khuôn xong ra phơi gió, bà Dương Thị Ca (60 tuổi) than thở, năm nay ở làng Thanh Hà chỉ còn 2 người làm tượng ông Táo. Mọi năm tôi làm bỏ sỉ cho bạn hàng trong tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng 10.000 tượng Táo quân, nhưng năm nay chỉ làm khoảng 1.000 chiếc. Do giá bán thấp không đủ lời, nhọc công, lại cộng thêm không có nắng nên không thể làm được nhiều.

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 4.

Hiện nay, làng gốm Thanh Hà chỉ còn 2 người đúc tượng Táo quân dịp Tết.

Đặc biệt, nghề đúc tượng Táo quân mỗi năm chỉ làm một mùa, để phục vụ nhu cầu sửa soạn mâm cúng ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời và thay ông Táo mới. Đây là sản phẩm tâm linh của người dân xứ Quảng, nên đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kỳ công để nhào nặn, ép khuôn sao cho cân đối và đẹp mắt.

Đón Tết đìu hiu

"Để có một bức tượng Táo quân sắc sảo phải chú ý làm đất kỹ lưỡng, phun nước vào đất và đạp, nhồi cho thật mịn, dẻo. Như vậy khi cho đất vào khuôn sẽ dễ in hơn, tượng đất không bị gãy. Tiếp tục đem tượng ra phơi nắng khoảng 2 ngày thì cho vào lò nung suốt 1 ngày đêm, cuối cùng là sơn đỏ cho bức tượng ông Táo. Làm công phu là vậy nhưng mỗi tượng chỉ có giá 2.000 đồng nên chẳng mấy ai mặn mà", bà Ca bộc bạch.

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 5.

Tượng trâu tại cơ sở làm gốm của ông Nguyễn Văn Xê.

Theo chia sẻ của các nghệ nhân trong làng, dịp cận Tết những năm trước, nhiều lò gốm ở Thanh Hà đỏ lửa không nghỉ, đường làng lúc nào cũng nhộn nhịp người phơi gốm, hương đất nung tỏa khắp vùng. Nhưng năm nay không khí sản xuất Tết đìu hiu, nhiều người vẫn còn tạm ngưng hoạt động. Những sản phẩm chủ lực mùa Tết như: bùng binh, tò he 12 con giáp, chuông gió cũng chỉ làm số lượng ít.

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 6.

Tượng ông Táo được sơn đỏ hoàn chỉnh, có giá sỉ 2.000 đồng/chiếc.

Vừa chẻ củi để nung gốm, ông Nguyễn Văn Xê (63 tuổi) vừa chia sẻ, năm nay là năm con trâu, nên ông làm nhiều chiếc tò he hình chú trâu nhỏ nhắn, đáng yêu để hàng bán chạy hơn. 

Đặc biệt, ông dành nhiều tâm huyết và thời gian để nhào nặn nên 6 bức tượng hình con trâu, với nhiều kiểu dáng khác nhau theo đơn đặt hàng của phường Thanh Hà. Dù đó chỉ là chút niềm vui sáng tạo nho nhỏ ngày Tết, nhưng cũng giúp ông Xê thêm yêu nghề thổi hồn vào đất của cha ông.

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 7.

Tết năm nay ông Ngữ chỉ làm số ít sản phẩm nồi niêu theo đơn hàng trước.

Tranh thủ lúc trời có nắng, người dân mang gốm ra đường làng phơi cho khô ráo bề mặt và xếp đều vào lò nung trung bình 2 ngày. Các sản phẩm gốm của làng Thanh Hà thuộc loại gốm thô, không tráng men, nung xong có màu đỏ cam, chủ yếu là gốm dân sinh như nồi, niêu, lọ…

Quảng Nam: Cận Tết Nguyên đán 2021, làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn đìu hiu - Ảnh 8.

Tranh thủ lúc trời có nắng, người dân mang gốm ra phơi.

Thuộc bậc nghệ nhân lão làng tại Thanh Hà, ông Nguyễn Văn Ngữ (83 tuổi) tâm sự: "Trời cho sức khỏe tốt nên dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn còn gắn bó với nghề làm gốm truyền thống. Tết mọi năm hàng làm ra bán rất chạy, nhưng năm nay vì Covid-19 nên buôn bán ế ẩm, đơn hàng ít. Làng nghề thì vắng bóng khách du lịch, thời tiết không thuận lợi nên không sản xuất thường xuyên. Vì thế, nhìn chung làng nghề năm nay ăn Tết buồn lắm…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem