Quảng Nam: Không dám vào trường 24 tỷ đồng để học

Trương Hồng - Hoàng Phan Thứ tư, ngày 02/12/2020 09:24 AM (GMT+7)
Một ngôi trường được đầu tư kinh phí hơn 24 tỷ đồng nhưng mới 2 năm đưa vào sử dụng đã phát sinh sạt lở, khiến hơn 270 em học sinh phải vượt ngược 40km đường núi xuống trung tâm huyện Tây Giang để theo học con chữ.
Bình luận 0

Những ngày cuối tháng 11/2020, hàng trăm em học sinh Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) không dám vào học ở ngôi trường này vì nguy cơ sạt lở đất đá. Các em đành phải vượt ngược 40km xuống trung tâm huyện để theo đuổi con chữ.

Được biết, dự án Trường Võ Chí Công có tổng kinh phí 24 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư (đơn vị quản lý nhà nước là Sở GD-ĐT tỉnh-PV), được triển khai từ năm 2016. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Tiến.

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 1.

Ngôi trường THPT Võ Chí Công ngổn ngang sau mưa, lũ tháng 9/2020.

Đến tháng 9/2018, Trường THPT Võ Chí Công được khánh thành và đưa vào sử dụng, phục vụ việc học tập cho con em 4 xã vùng cao là Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm, Ga Ry của huyện Tây Giang. Trường THPT Võ Chí Công được xây dựng mang một ý nghĩa lớn cũng là một trong những công trình trọng điểm của huyện, là điểm nhấn cho sự phát triển giáo dục vùng cao Tây Giang. Mong muốn có được ngôi trường mới để giảm bớt khó khăn cho hàng trăm em học sinh khi phải vượt hơn 40 cây số xuống tận trung tâm huyện học.

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 2.

Trường THPT Võ Chí Công được đầu tư hơn 24 tỷ đồng qua 2 năm giảng dạy đến nay đã bị sạt lở buộc phải di dời hơn 270 em học sinh xuống lại trung tâm huyện học.

Video sạt lở ở Trường THPT Võ Chí Công - Video Hoàng Phan.

Nhưng khi công trình đang thi công thì đã phát sinh nhiều vấn đề, như nguy cơ sạt lở, trượt đất do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn. Muốn khắc phục sự cố này, đơn vị thi công đề xuất phải giật cấp, xây bổ sung kè bê tông và hệ thống thoát nước… Năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra và đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, đến khi đưa vào sử dụng, các hạng mục trên vẫn chưa được thực hiện.

Rồi do mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua đã làm sạt lở đất đá xuống khu nội trú học sinh. Không đảm bảo điều kiện ăn ở, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, nhà trường tiến hành di dời toàn bộ 277 học sinh đến học tại Trường THPT Tây Giang (cách 40km) để theo đuổi con chữ.

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 4.

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 5.

Học sinh ở Trường THPT Võ Chí Công di dời đồ đạc xuống lại trung tâm huyện Tây Giang để học - Ảnh CTV.

Đại diện một Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng ở Quảng Nam cho biết: "Khi công trình đang thi công thì đã phát sinh nhiều vấn đề, như nguy cơ sạt lở, trượt đất do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn. Muốn khắc phục sự cố này, cần triển khai giật cấp, xây bổ sung bờ kè bê tông và hệ thống thoát nước…, nếu không làm như vậy thì chắc chắn cái đồi này trước sau gì cũng sẽ đẩy cái trường này đi. Vì bây giờ nước đã ngấm hết rồi".

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam cho biết: "Để đảm bảo tiếp tục đưa các em trở lại học ở khu vực trường này cũng là một trong những vấn đề mà địa phương đang có ý kiến với sở GD-ĐT tỉnh và UBND xem xét, đánh giá lại tổng thể toàn khu vực…".

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 6.

Quảng Nam: Trường 24 tỷ đồng không dám cho học sinh học vì bị sạt lở - Ảnh 7.

Đất đá tràn xuống dưới trường rất nguy hiểm

Trao đổi với Dân Việt, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị chỉ quản lý nhà nước, còn chủ đầu tư là do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam.

"Vừa rồi UBND tỉnh có chỉ đạo kiểm tra và đã mời Viện Thủy lợi vào để khảo sát, siêu âm, đánh giá lại địa chất và hội chuẩn bên trong đó như thế nào. Không riêng gì khảo sát trường này mà khảo sát toàn khu vực. Từ đó, các chuyên gia họ mới đưa ra một bản đồ hoàn chỉnh lúc đó mới an tâm. Còn khi có kết quả khảo sát sẽ có đề xuất, giải pháp chống sạt lở...", ông Quốc nói.

Liệu ngôi trường này có được tiếp tục đưa vào dạy học hay không vẫn phải chờ chuyên gia vào nghiên cứu, trong khi đó hàng trăm em học sinh buộc mình phải vượt hơn 40km xuống trung tâm huyện bán trú theo đuổi con chữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem