Quảng Nam: Lúa trồng gần nhà máy chết liên tục

Chủ nhật, ngày 26/05/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2009, từ khi các nhà máy này đi vào hoạt động, tại cánh đồng này đã có 40ha lúa trổ bị đen, cháy lá, không có khả năng đậu hạt. Tình trạng này tiếp tục xảy ra ở năm 2010 (50ha), năm 2011 (16,5ha), năm 2012 (15 thửa ruộng), vụ đông xuân 2013 (24 ha).
Bình luận 0

Cánh đồng lúa Đông Lâm (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) giáp với Cụm công nghiệp Đại Quang, nơi có nhiều công ty, nhà máy hoạt động, như Công ty cổ phần Gạch prime Đại Quang, Công ty cổ phần Gạch prime Đại Lộc, Công ty cổ phần Gạch tuynel Phương Nam, Công ty TNHH Đại Hòa, Công ty TNHH Cao su Đà Nẵng… Năm 2009, từ khi các nhà máy này đi vào hoạt động, tại cánh đồng này đã có 40ha lúa trổ bị đen, cháy lá, không có khả năng đậu hạt. Tình trạng này tiếp tục xảy ra ở năm 2010 (50ha), năm 2011 (16,5ha), năm 2012 (15 thửa ruộng), vụ đông xuân 2013 (24 ha).

img
Khói từ nhà máy của Công ty cổ phần Gạch prime Đại Quang.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số chất rắn, nước thải của các nhà máy gạch đã thải ra môi trường, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Vào tháng 1.2013, chúng tôi tiếp tục kiểm tra hai Công ty cổ phần Gạch prime Đại Quang và Công ty cổ phần Gạch prime Đại Lộc và thấy 2 đơn vị này đã khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường”. Bà Hạnh nói thêm, hiện Sở TNMT đã kiến nghị với UBND huyện Đại Lộc thiết kế vành đai an toàn cho Cụm công nghiệp Đại Quang; lập phương án chuyển mục đích sử dụng đất của khu vực trồng lúa nuớc Đông Lâm.

Ngược với ý kiến bà Hạnh, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam khẳng định: “Việc lúa ở Đông Lâm hư hại là do khí thải của các nhà máy sản xuất gạch gây nên. Vì các nhà máy này khí thải rất độc hại. Khi nhà máy hoạt động, sức nóng trong nhà máy tỏa ra khu vực xung quanh, làm biến đổi môi trường. Khi lúa Đông Lâm trổ đòng gặp tình trạng trên là lép hạt ngay. Trước khi chưa có các nhà máy sản xuất gạch ở đây thì không hề có chuyện lúa của dân bị hư hại, lép hạt. Từ khi các nhà máy đi vào hoạt động từ 2009 đến nay thì liên tục xảy ra sự cố trên”.

Ông Muộn cũng bác ý kiến của bà Hạnh cho rằng các đơn vị trên xả thải đạt chuẩn cho phép. Theo ông Muộn nếu có đạt chuẩn thì cũng là đạt với đối với con người, chứ lâu nay Bộ NNPTNT chưa ban hành quy chuẩn về khí thải của các nhà máy thải ra môi trường gây hại cho cây trồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, từ năm 2009 đến 2012, nhiều lần các công ty nói trên đã chấp nhận hỗ trợ cho ND có lúa hư hại ở cánh đồng Đông Lâm - tức là một cách gián tiếp thừa nhận những hư hại trên là do hoạt động sản xuất của công ty mình gây ra. Như Công ty cổ phần Gạch Prime Đại Lộc đã hỗ trợ cho ND với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng vào năm 2011. Tiếp đến vào tháng 8.2012, Công ty cổ phần Gạch prime Đại Lộc và Công ty cổ phần Gạch prime Đại Lộc tiếp tục hỗ trợ cho ND có lúa bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở TNMT, Sở NNPTNT, Công an tỉnh tiếp tục kiểm tra và giải quyết tình hình môi trường tại đây và xác định nguyên nhân làm lúa Đông Lâm liên tục chết. Ông Quang cũng có ý kiến cho phép các nhà máy tiếp tục hoạt động bình thường để các cấp ngành chức năng tiến hành lấy mẫu gửi đi phân tích về độ ô nhiễm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem