Quảng Nam: Nông dân phải thức đêm giữ đất

Thứ ba, ngày 01/03/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một năm nay, đêm nào cũng vậy, hễ trời chập choạng tối là người dân Tam Xuân 1 (Núi Thành, Quảng Nam) phải khăn gói mùng mền ra bờ sông thức giữ đất. Nếu không giữ thì không còn tấc đất nào mà cày cấy.
Bình luận 0

Cả làng mất ngủ

Con sông Bàn Thạch, đoạn qua xã Tam Xuân 1 là "khúc sông vàng" của hàng trăm ghe hút cát tại huyện này. Cát nơi đây trắng, sạch, lại nhiều. Nhưng khổ nỗi, hai bên bờ sông từ bao đời là ruộng lúa, hoa màu của dân địa phương.

img
 Lão nông Trần Bưởi với "vũ khí" chống "cát tặc".

Vì vậy, cứ mỗi ghe cát từ đây chở đi, dân làm ruộng lại khóc vì nỗi ruộng bị sạt xuống sông. Trước đây khúc sông Bàn Thạch, ngay cánh đồng Nà Sông, chỉ rộng 40m, nhưng 5 năm lại đây, do "cát tặc" hoành hành dữ tợn gây sạt lở đất khủng khiếp hai bên bờ khiến lòng sông rộng đến 120m. Đã có 10ha ruộng tại đây bị biến thành sông.

Ông Bùi Tấn Châu - một nông dân ở Tam Xuân chỉ xuống một đoạn sông ăn sâu vào bờ, nghẹn ngào: Hai năm trước nơi đây là 3 sào ruộng của tôi. Nhờ 3 sào ruộng này mà gia đình tôi sống mấy mươi năm qua. Mỗi năm, tại đây tôi trồng lúa, đậu, bắp, khoai, thu 30-40 triệu đồng. Vậy mà bây giờ phải đi làm thuê vì không còn tấc đất nào.

Nạn hút cát, sạn trái phép đã khoét sâu gây sạt lở bờ ruộng lúa, vườn keo của dân vài chục mét, dài hơn 7km. Để giữ ruộng, người dân dùng đá ném, xua đuổi, dân hút cát cũng đánh trả lại bằng đủ loại "vũ khí" gây mất trị an kéo dài.

Để không lâm vào tình cảnh như ông Châu, một năm nay, nông dân Tam Xuân 1 đêm đêm phải ra bờ sông che bạt, dựng chòi giữ đất. Ông Trần Bưởi đưa cái cào cỏ hai răng nhọn hoắt lên nói: Cả năm nay, tôi phải dùng cái chĩa này giữ đất. Nếu bọn hút cát đến từ xa thì tôi dùng đá ném cảnh cáo, nếu chúng vẫn sán vào gần bờ là tôi dùng cái chĩa này tấn công. Tôi đâu muốn vậy nhưng nếu không làm như vậy thì không còn tấc đất mà cắm bụi lúa lấy cái mà ăn.

Hầu hết nông dân ra đây ai cũng tự trang bị "vũ khí" để phòng khi cận chiến với "cát tặc". Tại lều của ai cũng có đống đá để sẵn. Ban đêm chủ yếu đàn ông ra sông giữ đất. Ban ngày thì có cả phụ nữ, trẻ em thay phiên nhau. Hễ thấy ghe hút cát đến là la làng, nện trống ầm ầm báo động, dân trong làng rùng rùng kéo ra sông ném đá, ném gạch hò la xua đuổi.

Cảnh tượng đó cứ vài ba hôm lại diễn ra một lần, bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm. Giới hút cát cũng không vừa. Ghe nào cũng trữ sẵn gạch, đá. Dân trên bờ ném xuống thì ghe ngoài sông ném trả. Đá, gạch tơi bời, nhiều người sứt đầu, mẻ trán.

Chính quyền bất lực

Lão nông Nguyễn Trung Hiếu bị bọn "cát tặc" ngoạm hết 4 sào ruộng bức xúc: "Chúng tôi nhiều lần phản ánh tình trạng này với xã nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Cũng có đôi lần, huyện Núi Thành tổ chức lực lượng đi tuần tra. Nhưng cơ quan chức năng đến thì họ nghỉ mà cơ quan chức năng về thì họ lại ra".

Ông Huỳnh Quốc Dũng - Bí thư xã Tam Xuân 1, ngán ngẩm: Tình trạng này, chúng tôi bức xúc lắm. Nhưng vẫn chưa tìm ra một giải pháp hữu hiệu. Đối tượng hút cát ở nhiều địa phương đến đây. Để ngăn chặn họ rất cần sự hợp tác của nhiều xã, nhiều huyện, chứ riêng xã tôi thì không có nghĩa gì.

Ông Dũng cũng cho biết, tình trạng này nếu không được ngăn chặn thì sẽ xảy ra nhiều vụ xô xát nguy hiểm và đất đai ven sông sẽ không còn thửa nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem