Quảng Nam: Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc chậm tiến độ giải ngân
Quảng Nam: Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc chậm tiến độ giải ngân
Trương Hồng
Thứ hai, ngày 18/07/2022 13:31 PM (GMT+7)
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, làm rõ các nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân, nhất là liên quan đến công tác lập, thẩm định chủ trương, dự án, thiết kế dự toán, đấu thầu. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan...
Ngày 18/7, ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, qua xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất về báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, trong đó tốc độ GRDP tăng cao, tuy nhiên cần đánh giá thêm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngoài một số doanh nghiệp có đóng góp lớn cho việc tăng trưởng, thu ngân sách.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Quảng Nam chỉ đứng vị trí 19/63 tỉnh thành, tụt 6 bậc so với năm 2020. Trong đó, cần xem xét phân tích nguyên nhân 5 chỉ số thành phần giảm, như gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.
Đối với kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022, đạt kết quả tích cực, nhiều khả năng vượt dự toán năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước 18.681 tỷ đồng, đạt 78,8% so với dự toán và tăng 43,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa là 13.600 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán và tăng 30,5% so cùng kỳ; có 03/18 địa phương3 có số thu tăng đột biến so với cùng kỳ.
Thu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm là 5.051 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, tăng 95% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 6 tháng đầu năm là 11.696 tỷ đồng, đạt 49% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.798 tỷ đồng, đạt 83% dự toán (chủ yếu chi từ nguồn năm trước chuyển sang, nếu không tính chi từ nguồn năm trước chuyển sang thì thực hiện 6 tháng đầu năm là 1.568 tỷ đồng, đạt 34% dự toán); chi thường xuyên là 6.714 tỷ đồng, đạt 52% dự toán và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, chi ngân sách cơ bản bám sát theo dự toán giao, đáp ứng các khoản chi thường xuyên quan trọng.
Còn đối với tình hình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, theo kế hoạch đầu tư công năm 2022 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 73/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 với tổng kế hoạch vốn là 5.861,264 tỷ đồng. UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ 5.487,423 tỷ đồng, đạt 94% tổng kế hoạch vốn.
Theo báo cáo, tính đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện giải ngân 1.754,392 tỷ đồng, đạt 32,4% so với kế hoạch vốn năm 2022, đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và đạt 29,9% so với kế hoạch vốn năm 2022 đã được UBND tỉnh giao.
"Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, xác định các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, giải ngân vốn nhưng nhìn chung công tác giải ngân vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp, nhất là nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài tỉnh vay lại.
Đáng quan tâm hơn, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 thuộc ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (15,2% kế hoạch vốn đã qua hệ thống KBNN). Đối với kế hoạch vốn năm 2022, nhiều dự án của tỉnh do các Ban quản lý chuyên ngành, các sở, ngành làm chủ đầu tư tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp…", ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Đức, đối với công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới năm 2022 vẫn còn chậm. Đến nay, vẫn còn 27/83 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Trong đó, có một số dự án dự kiến đến hết năm 2022 sẽ không thể hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Công tác kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, chưa giải ngân hết để đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, dẫn đến số liệu báo cáo trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân chưa chính xác, phải trình điều chỉnh, bổ sung. Đồng thời, việc đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 vẫn còn khá chậm sau khi kết thúc năm ngân sách 2021. Đây là một trong những lý do dẫn đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài bị chậm trễ.
Đối với tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn ở mức cao, tính đến hết quý I/2022 là 1.034,7 tỷ đồng. Trong đó, một số chủ đầu tư qua các năm vẫn có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn chưa được khắc phục như, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp 239,9 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 31,7 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải 19,6 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh 16 tỷ đồng. Một số địa phương có nợ xây dựng cơ bản lớn như, huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ, Nam Giang, Tây Giang, Duy Xuyên...
"Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2022, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn của từng dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới năm 2022 chưa đảm bảo thủ tục và giai đoạn 2023-2025.
Kiểm tra, làm rõ các nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân, nhất là liên quan đến công tác lập, thẩm định chủ trương, dự án, thiết kế dự toán, đấu thầu… Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan", ông Đức yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.