Sáng 19.2, vừa thấy xe máy dừng bên cửa chính ra vào nhà chờ của Cảng Sa Kỳ, dù chưa biết chúng tôi vào đây để làm gì, một thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo của doanh nghiệp tàu khách siêu tốc "Đ.B" đến gần: "Tàu chuẩn bị chạy nè, đoàn anh đi mấy người để em lấy vé".
Nhân viên của các tàu siêu tốc đang đợi để bán vé cho khách tại phái ngoài cửa chính nhà chờ Cảng Sa Kỳ
Theo một số người dân ở gần phía ngoài cổng cảng, hôm nay là đầu tuần nên lượng khách ra đảo không đông, tình trạng "cò" và nhân viên các tàu khách siêu tốc ra mời chào ít. Vào những ngày cuối tuần khách ra đảo đông thì chỉ cần thấy xe ô tô chở khách xuống, hoặc đoàn người lạ đi vào cổng là 5-7 người đến tranh nhau mời, bán vé náo loạn vô cùng.
Qua tìm hiểu, tình trạng trên rầm rộ từ trước Tết Nguyên đán cổ truyền và kéo dài đến nay, khi hàng loạt tàu khách siêu tốc được các tổ chức và cá nhân trong tỉnh đầu tư đóng mới, đưa về hoạt động. Theo đó BQL cảng Sa Kỳ xóa bỏ hình thức bán vé lần lượt cho từng chuyến (bán hết vé chiếc này và cho khởi hành, sau đó mới bán cho chiếc kế tiếp); thay vào đó là dán thông báo phía trước về giờ khởi hành, giá vé của các tàu để khách tự lựa chọn, dẫn đến giữa các tàu có sự cạnh tranh khách khốc liệt.
Văn bản (số 53/BQLC&CV, ngày 1.2.2019), do ông Lê Tấn Hải - Giám đốc BQL Cảng Sa Kỳ đề nghị các doanh nghiệp dừng ngay việc bố trí nhân viên giao và thu tiền vé đối với hành khách tại khu vực cảng Sa Kỳ, nhất là tại cửa ra vào nhà ga hành khách của cảng.
Để có khách đi mỗi chuyến được nhiều nhất, dù đã ủy thác 100% số lượng vé cho BQL Cảng Sa Kỳ bán, nhưng các chủ tàu tự bỏ tiền mua lại một số lượng vé của chính mình. Sau đó đưa cho nhân viên và "cò" (chủ yếu là giới xe ôm) ra trước cổng chèo kéo bán cho khách, gây náo loạn và mất trật tự tại khu vực ngoài, cửa ra vào (bên trong) nhà ga của cảng này.
Để trả tiền công cho số "cò", các chủ tàu chấp nhận bỏ tiền túi (giá vé vẫn giữ nguyên), từ 10-15.000 đồng/vé. Nhẩm tính với lượng khách ra đảo tại đầu Cảng Sa Kỳ, đặc biệt là dịp cuối tuần tính bằng con số hàng ngàn người, không ít "cò" thu nhập cả triệu đồng/ngày/người.
Còn tại đầu cảng Lý Sơn, "ông B.T.K", một chủ tàu khách bức xúc phản ánh: "Tuy không có tình trạng "cò", nhân viên các tàu giành nhau bán vé như tại Cảng Sa Kỳ, nhưng ở Cảng Lý Sơn khi khách đến hỏi mua thì nhân viên chỉ tập trung bán cho những tàu thân quen còn bỏ lơ những tàu khác. Dẫn đến nhiều chuyến đến giờ xuất bến chỉ có khoảng 20-30 người, ít hơn từ 3-5 lần so với số ghế mà tàu được phép chở".
Tàu khách siêu tốc đang đợi đón khách tại Cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn.
Vào trưa cùng ngày, trả lời PV Báo Dân Việt, đại diện BQL Cảng Sa Kỳ, ông Đoàn Khắc Anh Duyệt - Trưởng phòng Khai thác Dịch vụ hành khách cảng này, thừa nhận: "Tình trạng trên là có thật. Vừa qua BQL cảng Sa Kỳ đã ban hành văn bản chấn chỉnh về việc này".
Cụ thể tại văn bản (số 53/BQLC&CV, ngày 1.2.2019), do ông Lê Tấn Hải - Giám đốc BQL Cảng Sa Kỳ đề nghị các doanh nghiệp dừng ngay việc bố trí nhân viên giao và thu tiền vé đối với hành khách tại khu vực cảng Sa Kỳ, nhất là tại cửa ra vào nhà ga hành khách của cảng.
Ông Huỳnh Công Trí - Giám đốc BQL cảng Lý Sơn, huyện Lý Sơn, cho biết: "Đến thời điểm này tuy chưa nhận được đơn thư nào từ chủ tàu khách gửi đến phản ánh nhân viên của đơn vị ưu ái bán vé cho tàu quen. Nhưng qua nội dung mà phóng viên tiếp nhận và trao đổi, ngay chiều nay BQL sẽ cho họp để quán triệt nội dung này. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm khắc đối với nhân viên vi phạm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.