Hàng ngày, Lợi đi dọc bãi biển, nhặt vỏ chai người dân, du khách vứt bỏ, mang về dựng lên những ngôi nhà, phục vụ du khách.
Bỏ phố về đảo
Nằm cách đất liền chừng 15 hải lý, mỗi năm đảo Bé phải chịu hàng chục cơn bão. Mùa nào, khí hậu đảo Bé cũng khốc liệt. Điều kiện khí hậu, thiên tai đã dạy những chàng trai nơi “đầu sóng ngọn gió” bản tính hào sảng, phóng khoáng, biết cách dung hòa, vượt qua nghịch cảnh và ưa thích mạo hiểm. Nguyễn Lợi, một trong những chàng trai của đảo, đã có những suy nghĩ, việc làm táo bạo, khiến nhiều người nể phục.
Nguyễn Lợi cất nóc cho homestay làm từ vỏ chai của mình.
Lợi kể rằng, từ nhỏ đã thích bơi lội quanh hòn đảo nhỏ quê mình. Lớn lên, Lợi được vào đất liền trọ học và biết thế nào cuộc sống nơi đô thị. Học hết lớp 12, Lợi thi đậu vào ngành thiết kế nội thất của một trường đại học tại TPHCM. Ở thành phố lớn, nhưng chàng trai vẫn mang trong mình sự mặc cảm và nỗi cô đơn. Anh ước muốn được sớm trở về đảo. Sau khi tốt nghiệp, ra trường đi làm được 2 năm thì Lợi quyết định khăn gói về đảo...
Trò chuyện với tôi tại đảo Bé, Lợi trải lòng: “Làm việc tại TPHCM lương rất ổn định và tương lai đầy hứa hẹn nhưng trong lòng tôi vẫn không vui. Nỗi nhớ nhà, ước mơ được làm việc, cống hiến cho hòn đảo nhỏ quê mình khiến tôi có quyết định bỏ phố…”. Về lại đảo Bé, Lợi bắt đầu lân la học làm du lịch. Sử dụng hết khoản tiền dành dụm được, Lợi mua chiếc xe điện để đưa đón khách du lịch tham quan đảo Bé.
Lợi còn kết hợp với một số người dân trên đảo để xây dựng tuyến “du lịch bụi trên đảo Bé”. “Mùa nắng, khách du lịch đông, thu nhập của chúng tôi cũng kha khá. Đến mùa mưa, đảo bị “cô lập”, du khách không ra đảo, tôi theo tàu lớn ra biển xa đi lặn. Tuy cực, nhưng tinh thần thoải mái và sống khỏe giữa đảo nhà, vui lắm!”, Lợi tâm sự.
Cùng xóa rác thải nhựa
Đảo Bé là một hòn đảo được kiến tạo từ nham thạch núi lửa từ hàng triệu năm. Cư dân hòn đảo khoảng 100 nóc nhà với trên 500 nhân khẩu. Trước đây, hàng năm dân làng phải đùm bọc nhau vượt qua hàng chục trận bão biển.
Vài năm trở lại đây, du lịch bắt đầu bùng nổ ở Lý Sơn. Nhờ sở hữu vùng địa chất độc lạ, khác biệt nên đảo Bé trở thành điểm hút khách. Du lịch đem lại nhiều cơ hội cho đảo Bé, nhưng cũng mang đến nhiều hệ lụy, trong đó rác thải nhựa là vấn nạn đáng lo ngại nhất. |
Lợi kể: “Khách du lịch đến đảo tham quan rồi đi, để lại quanh đảo hàng tá rác thải. Mỗi ngày có cả trăm, ngàn vỏ chai bị vứt lại quanh đảo. Cả bãi biển chất đầy vỏ chai, túi ni lông, rác. Nếu bây giờ chúng ta không ngăn chặn thì sau này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Dần dần rác thải sẽ đầu độc cả đảo Bé và tràn ra biển”.
Từ suy nghĩ này, chàng trai xứ đảo phát kiến một ý tưởng táo bạo là xây nhà bằng vỏ chai nhựa. Mỗi buổi chiều, Lợi kêu gọi lũ trẻ trên đảo đi dọc bãi biển nhặt vỏ chai rồi dồn đầy cát vào trong, mang về nhà. Mỗi ngày, đám nhỏ lượm được khoảng 1.000 vỏ chai. Lợi bắt tay vào thực hiện xây nhà bằng vỏ chai, theo kiểu homestay.
Lợi tính toán: “Chỉ cần 6.000 vỏ chai, tôi có thể xây được một cái homestay rất đẹp để đón khách du lịch. Để xây nhà, tôi dùng sắt và đổ trụ bê tông tạo sườn. Còn vách dùng vỏ chai nhặt ở ngoài bãi biển đã dồn sẵn cát, sau đó lấy nhựa bê tông làm chất kết dính.
Vỏ chai nhựa tính kết dính không cao, để tạo vách, tôi phải làm từng bước tỉ mỉ và xây từng lớp, đổ dằn. Cứ xây lên 5 lớp, tôi dừng lại đợi chai nhựa và bê tông kết dính và khô, rồi xây tiếp… Cuối cùng, tôi sử dụng lá dừa biển để lợp mái, dùng vỏ chai trang trí nội thất”.
Ròng rã suốt 4 tháng trời nhặt vỏ chai, dồn cát, kết vách xây nhà, hình hài ý tưởng đầu tiên của Lợi dần hoàn thiện vào giữa tháng 6 này.
“Với công trình của mình, tôi chỉ mong chuyển đến cộng đồng thông điệp rằng, hãy ngừng xả rác thải ra biển. Nếu không, đại dương và môi trường sẽ dần bị giết chết bởi hành động vô thức của chúng ta. Sắp tới, tôi sẽ xây dựng thêm 3 ngôi nhà bằng vỏ chai nhựa như thế để đón khách du lịch. Ngoài ý tưởng xây nhà bằng vỏ chai, tôi còn nhiều ý tưởng khác, như: tạo cá bống “ăn rác”; trồng cây, làm vườn rau, bể cá bằng ve chai…”, Lợi nói.
Nhìn ý tưởng có người gọi đó là sự “rồ dại” đã thành hình, Lợi tâm sự: “Mục đích của tôi là để cộng đồng chung tay, chứ một mình thì không thể làm nổi. Nếu mọi người không làm cùng, tôi có xây hàng trăm ngôi nhà cũng không thể hết được rác thải nhựa trên đảo. Chỉ mong khách ra đảo, nhìn vào ý tưởng này mà dừng việc xả rác”. |
Ngọc Oai (Báo SGGP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.