Trông chờ, háo hức...
Chưa bao giờ huyện đảo Lý Sơn đón một lượng khách tham quan nhiều như những ngày qua. Theo ước tính từ ngày 25.4 - 2.5, trung bình mỗi ngày có 300-500 khách ra vào đảo. Riêng thời điểm diễn ra Tuần lễ biển đảo và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (từ 25-28.4), số du khách ra Lý Sơn ước lên đến 600-800 người/ngày.
Đại diện chính quyền huyện Lý Sơn khẳng định: Dịp lễ lần này, số lượng khách đến đảo tham quan đông nhất từ trước đến nay. Du khách ra đảo đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào, du khách nước ngoài. Ông Đặng Quang Sơn - Giám đốc Ban quản lý cảng Sa Kỳ, Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết: Để đưa hết số lượng khách ra đảo, chúng tôi đã điều động thêm 2-3 chuyến tàu khách/ngày.
Anh Võ Xuân Thùy, 38 tuổi, ở Hà Nội cho biết: Nghe nói về vẻ đẹp hoang sơ của Lý Sơn đã lâu, nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 này, tôi đưa vợ và 2 con ra tham quan một lần cho biết. Cũng như anh Thùy, chị Lê Thị Dung (26 tuổi), ở TP.HCM bày tỏ: Muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân trên quê hương của những “Hùng binh Hoàng Sa”, nên nhân nghỉ lễ này, em cùng nhóm bạn 6 người quyết định ra đảo...
Quá tải, phục vụ kém
Trái với sự háo hức, thích thú ban đầu, sự phiền toái và thiếu thốn trong quá trình ra, vào và thời gian ăn ở trên đảo Lý Sơn đã làm nhiều du khách ngán ngẩm, bức xúc. Anh Trần Hùng Dũng, 34 tuổi, quê Nghệ An lắc đầu: Tại bến cảng để lên tàu từ đảo vào đất liền chen lấn, xô đẩy, mất trật tự vô cùng.
Anh Võ Văn Quân đến từ TP.HCM thì cho biết: Cũng chính vì tình trạng mạnh ai nấy lên tàu mà không được kiểm soát nên vào ngày 29.4, chuyến cao tốc từ đảo vào đất liền quá tải và đã bị cảng vụ ách lại không cho xuất bến. Hành khách phải đợi hơn 1 giờ sau mới đi được.
Chị Nguyễn Thị Vân (25 tuổi), ở tỉnh Bình Thuận, kể: Nhân dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, tôi và chồng sắp cưới quyết định đi du lịch Lý Sơn. Vẫn biết điều kiện ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không ngờ khó khăn đến mức như vậy.
Để tạo điều kiện cho du khách, huyện đã sử dụng cả nhà công vụ làm nơi ở cho du khách có nhu cầu; đồng thời 24 nhà cổ trên địa bàn huyện đảo cũng đồng ý đón khách ở trong dịp lễ hội.
Khi đặt chân ra đảo, chúng tôi đội nắng đi tìm nơi trọ nhiều giờ liền nhưng đều nhận được câu trả lời “khách đã đặt từ nhiều ngày trước”. Cũng may, một gia đình trên đảo thấy thương tình nên cho ở tạm, nếu không chắc ngủ ngoài đường.
Chưa hết, 2 người đi dạo đến chiều tối thì tìm quán để ăn cơm nhưng chỉ có nhà hàng bán đồ hải sản, nếu muốn ăn cơm phải đặt trước mới có. Dù vẫn chưa đi tham quan hết đảo, nhưng sáng hôm sau cả 2 quyết định kết thúc chuyến đi, lên tàu trở lại đất liền.
Ông Nguyễn Thới - chủ nhà nghỉ Bình Yên ở xã An Vĩnh cho biết: Nhà nghỉ có tất cả 14 phòng, toàn bộ đã được du khách đặt trước dịp nghỉ lễ hơn 3 tuần. Giá không thay đổi là phòng đôi 180.000 đồng, phòng đơn 100.000 đồng/phòng/ngày. Nhiều chủ nhà nghỉ trên đảo Lý Sơn cũng cho biết, phòng nghỉ đã được đặt hết từ lâu, khách ra đảo dịp này mới tìm phòng thì không thể có...
Về phía chính quyền địa phương, ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: Toàn đảo hiện có tất cả 6 nhà nghỉ, khách sạn, với tổng số 50 phòng. Qua kiểm tra, trong dịp lễ này, toàn bộ số phòng đã được khách đặt từ trước. Nhiều nơi khách đăng ký cách lễ hơn 1 tháng.
Để tạo điều kiện cho du khách, huyện đã sử dụng cả nhà công vụ làm nơi ở cho du khách có nhu cầu; đồng thời 24 nhà cổ trên địa bàn huyện đảo cũng đồng ý đón khách ở trong dịp lễ. Tuy nhiên, với số khách lên tới cả ngàn người như vậy thì không thể đáp ứng đủ về chỗ ở...
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.