Sáng sớm 17.2, tại cảng Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, hàng chục chiếc tàu cá nối đuôi nhau ra khơi. Vừa đưa lưới xuống tàu, ngư dân Lê Văn Nguyên (37 tuổi, ở Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) vừa cho biết: Tàu của tôi công suất lớn (trên 400CV) nhưng cửa biển Sa Huỳnh ở quê bị cạn nên phải neo đậu nhờ ở đây. Chuyến biển cuối năm vừa rồi, anh em chúng tôi đánh được khá, sau khi trừ chi phí, mỗi người được 10 triệu đồng. Vì vậy anh em hào hứng quyết định ra khơi sớm hơn 1 tuần so với dự tính.
|
Ngư dân đưa lưới xuống tàu để chuẩn bị rời bến. |
Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Toàn xã có gần 650 chiếc tàu cá công suất từ 90-500CV. Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, giá nhiên liệu tăng, nhưng sản lượng hải sản đánh bắt vẫn đạt 110% kế hoạch đề ra, với trên 37.200 tấn. Sau khi tổ chức lễ mở cửa biển vào mùng 3 Tết âm lịch, tàu thuyền đánh bắt xa bờ của địa phương lần lượt ra khơi, đến nay đã có hơn một nửa tàu thuyền của xã ở trên biển.
Tại Lý Sơn, sáng 17.2, hàng chục tàu thuyền của ngư dân đất đảo đã trực chỉ Hoàng Sa. Kiểm tra lại lương thực và đồ đạc mang theo, ngư dân Lê Văn Đoàn (29 tuổi, ở xã An Hải, Lý Sơn) vui vẻ: Năm rồi tuy phải nghỉ 2 phiên do thời tiết xấu, thế nhưng bù lại lượng hải sản khai thác khá cao nên chia được trên 70 triệu đồng/người/vụ, cao hơn năm trước gần 10 triệu đồng/người. Năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục trúng như năm ngoái...
Theo đại diện chính quyền các huyện biển Bình Sơn, Đức Phổ, Sơn Tịnh..., đầu năm nay, thời tiết thuận lợi nên tàu đánh bắt xa bờ tranh thủ ra khơi sớm hơn mọi năm. Riêng số phương tiện khai thác ở ngư trường trong tỉnh thì mở biển rất sớm, nhiều nơi ngư dân đã đưa tàu xuất bến ngay mùng 2 tết. Anh Trần Văn Tình (34 tuổi ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cho biết: Sau khi nghỉ tết từ 29 âm lịch, đến mùng 2 thì tôi cùng với 3 anh em khác làm chuyến biển đầu năm. Nhờ hải sản được giá nên trừ chi phí mỗi người được gần 1 triệu đồng/ngày.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.