Trưa 11.10, để làm rõ thắc mắc của dư luận về vụ việc một số Chủ tịch UBND huyện - người vừa bị kỷ luật, người đang bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm... nhưng vẫn được điều động lên tỉnh trong thời gian vừa qua, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Theo ông Chín, luân chuyển và điều động cán bộ nói chung là việc làm bình thường, nằm trong đề án của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và được triển khai thực hiện từ những năm trước đó. Gần đây là năm 2017, có khoảng 10 trường hợp cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh được luân chuyển và điều động.
Trao quyết định điều động, luân chuyển cán bộ tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9.2018.
Qua kiểm tra, đánh giá, Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận thấy nhiều cán bộ lãnh đạo sau khi được luân chuyển nhận nhiệm vụ mới đã làm tốt, đạt nhiều kết quả hơn. Trên cơ sở kết quả này, đồng thời để sắp xếp nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo, từ tháng 9-10.2018, hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp huyện, sở ngành của tỉnh đã được Tỉnh ủy luân chuyển, điều động đến vị trí mới.
PV đặt câu hỏi: "Về 3 trường hợp là Chủ tịch UBND các huyện Đức Phổ, Lý Sơn và Bình Sơn, có người vừa nhận kỷ luật, người đang nằm trong diện bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, để xảy ra sai sót và vi phạm trong Kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018 vừa qua, nhưng vẫn được điều động lên tỉnh có đúng quy trình không?".
Ông Chín giải thích: "Tuy lên tỉnh nhưng chức vụ nơi mới là ngang, tương đương với chức vụ Chủ tịch UBND huyện, chứ không phải là cao hơn. Cụ thể, đồng chí Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ làm Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Quảng Ngãi và đồng chí Võ Đình Trà - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn làm Giám đốc Sở Công Thương tỉnh. Quyết định điều động, luân chuyển không gây ảnh hưởng gì đến quá trình đang kiểm tra, chuẩn bị tổ chức kiểm điểm. Vì vậy việc điều chuyển là được phép, không sai quy định hiện hành".
"Khi nào có kết luận kiểm tra, tổ chức kiểm điểm vi phạm như thế nào thì vẫn phải chịu kỷ luật bình thường. Hoàn toàn không có chuyện được điều động sang nhận công tác ở cơ quan khác, sai phạm ở nơi cũ của các đồng chí này sẽ bị xóa bỏ, giảm tội", vị Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết.
"Điều động lên tỉnh nhưng chức vụ được phân công là ngang, tương đương với Chủ tịch UBND huyện chứ không phải là cao hơn. Quyết định điều động, luân chuyển không gây ảnh hưởng gì đến quá trình đang kiểm tra, chuẩn bị tổ chức kiểm điểm. Vì vậy việc điều chuyển là được phép, không sai quy định hiện hành", ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định.
Riêng đối với trường hợp đồng chí Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế, được điều động sang làm Phó thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Chín giải thích: "Không như nhiều người nghĩ đơn giản Ban Tuyên giáo chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, mà còn thực hiện quản lý, theo dõi... rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có y tế. Vì vậy, điều động đồng chí Đức là bình thường, không có gì lạ cả".
Được biết kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018 vừa qua, 3 huyện Đức Phổ, Bình Sơn và Lý Sơn để xảy ra sai sót và vi phạm, gây dư luận xấu. Tuy nhiên đến nay Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng thi ở 3 huyện trên chưa bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào; đồng thời được điều chuyển nắm chức vụ mới ở tỉnh.
Riêng đối với ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn vào tháng 4.2018, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ký quyết định thi hành kỷ luật khiển trách vì để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đầu tư các dự án, cho thuê đất tại địa phương này. Đến ngày 8.8.2018, bị UBND tỉnh ra văn bản phê bình vì chậm xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Còn huyện Đức Phổ, vào tháng 6.2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ra quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy; cùng các ông: Huỳnh Quý - Bí thư Huyện ủy, Trần Em - Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện và Nguyễn Văn Công - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đức Phổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.