Ngày 7.1, đang là thời điểm thu hoạch lúa vụ đông 2013, nhưng đến xã Đức Minh, chúng tôi thấy rất ít người ra đồng gặt lúa. Tìm hiểu thì được biết, do lúa không hạt nên đa phần nông dân chán không thèm đi gặt. Một số người chịu ra gặt thì cũng chỉ để mang về cho gia súc ăn. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy bỏ ra một ngày gặt lúa than thở: “Cắt mang về cho bò ăn, để đỡ tiếc. Chứ để vậy vài hôm nữa, lúa sẽ héo ngã và bị mưa làm rục thân thì càng phí hơn”.
|
Những ruộng lúa không hạt vì hạn hán. |
Cách đó không xa, ông Lê Lơi cũng làm công việc “bất đắc dĩ” này. Chỉ mảnh ruộng có vài bông lúa lưa thưa, ông Lơi buồn bã: “Những năm trước, lúa vụ đông khá được mùa, sản lượng bình quân từ 300-400 kg/sào. Vụ đông năm nay, tôi thuê thêm 10 sào đất để trồng lúa với hy vọng có một vụ mùa bội thu. Thế nhưng do thời tiết nắng kéo dài gần như suốt cả mùa mưa nên lúa không chịu trỗ bông, hơn 5 triệu đồng đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... vậy là tan theo mây khói”.
Trước đó, nhiều người dân Đức Minh để cứu lúa vụ đông đã bỏ nhiều triệu đồng mua dây điện, khoan giếng để bơm nước cứu lúa. Thế nhưng nắng nóng kéo dài liên tục, nên họ đành bó tay.
Ông Võ Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết: Đây là vùng đất pha cát, nước tưới chủ yếu nhờ trời nên sản xuất lúa vụ đông - vụ có mưa - là vụ sản xuất chính trong năm của người dân địa phương chúng tôi. Sau khi thu hoạch các cây hoa màu khác, vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch bà con bắt đầu xuống giống, đến khoảng tháng 11 - 12 âm lịch thì thu hoạch.
So với lúa gieo sạ ở ruộng thì lúa gieo trên chân đất cát pha ở đây chi phí đầu tư thấp hơn nhưng năng suất đạt khá cao, với mức bình quân khoảng 50 tạ/ha. “Vụ đông năm 2013, hơn 500 hộ nông dân trong xã xuống giống trên diện tích 150ha. Tuy nhiên do hạn kéo dài trong thời điểm mùa mưa, dẫn đến 150ha này gần như mất trắng. Chúng tôi đang rất lo tết nhất năm nay nhiều gia đình sẽ vô cùng khó khăn” - ông Quang lo lắng.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.