Quảng Ngãi xây dựng nông thôn mới bền vững

Thứ tư, ngày 05/11/2014 14:01 PM (GMT+7)
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả khả quan nhờ những cách làm hay, hiệu quả. Phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề này.
Bình luận 0

Thưa ông, sau hơn 3,5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

 Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cấp ủy, chính quyền ở hầu hết các xã cũng đều kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định chuyên đề về xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Lê Viết Chữ: Ảnh: Công Xuân

Nhờ đó, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả bước đầu.  Số tiêu chí tăng thêm ở mỗi xã đạt bình quân 2,4 tiêu chí/xã, có một số xã lượng tiêu chí (TC) NTM tăng rất nhanh: Xã Bình Dương tăng 9 TC, đạt 16/19 TC, xã Phổ Vinh tăng 8 TC đạt 14/19, xã Hành Minh tăng 8 TC đạt 14/19 TC, xã Hành Nhân tăng 8 TC đạt 13/19 TC, xã Tịnh Trà tăng 7 TC đạt 12/19 TC...  Hiện nay số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí: 1 xã; số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 39 xã; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí: 52 xã và số xã đạt dưới 5 tiêu chí: 72 xã, chủ yếu là các xã ở miền núi, khó khăn...

 Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện xây dựng NTM, trong đó có những giải pháp sáng tạo, mang bản sắc riêng của Quảng Ngãi. Vậy, ông có thể cho biết thêm về những cách làm sáng tạo này?

 Căn cứ 19 tiêu chí NTM do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg  ngày 16.4.2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phân thành 3 nhóm TC, gồm: Nhóm tiêu chí cần ít kinh phí nhưng có thể thực hiện ngay đối với tất cả các xã trên địa bàn tỉnh; Nhóm tiêu chí chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân thực hiện và nhóm tiêu chí cần có vốn đầu tư từ chương trình, vốn lồng ghép của các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn được đầu tư theo quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, thời gian qua Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhóm TC cần ít kinh phí nhưng có thể thực hiện ngay để làm trước.

img

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tham quan cánh đồng sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh: Ảnh: TL

UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”; chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp (NN), nhằm tạo điều kiện đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng không đầu tư cho các mô hình sản xuất mà thực hiện công tác khuyến nông theo địa chỉ, theo mục tiêu. Cụ thể như: Khuyến nông cho người nghèo, người đồng bào dân tộc, giúp họ thoát nghèo bằng việc đào tạo, xây dựng lực lượng khuyến nông viên cơ sở đến tận thôn, lấy khuyến nông viên cơ sở là gương điển hình phát triển sản xuất, thoát nghèo; khuyến nông với mục tiêu xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản...

Kinh nghiệm của một số địa phương làm điểm trên cả nước cho thấy, việc triển khai xây dựng NTM vẫn còn tồn tại tư tưởng chạy theo thành tích, làm để trình diễn; có nơi lại trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước... Vậy, tỉnh Quảng Ngãi có những giải pháp gì để đề phòng và khắc phục, nếu có những tồn tại này?

Việc tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân hiểu rõ phương châm xây dựng NTM là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể tại địa phương do chính cộng đồng dân cư bàn bạc dân chủ để quyết định tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh chuẩn bị ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để làm giao thông nông thôn; với cơ chế này, Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ về vật tư (xi măng), phần còn lại sẽ do người dân địa phương góp công góp của để thực hiện.

Thưa ông, để xây dựng quan hệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân (tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới), tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành chính sách nào?

 Thu nhập của người dân nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi nhìn chung còn khá thấp so với yêu cầu đặt ra (năm 2015: 23 triệu đồng/người/năm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của 17 xã đạt từ 12 tiêu chí NTM  trở lên chỉ 17,3 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài sự phấn đấu vươn lên từ chính mỗi cá nhân, hộ gia đình cần phải có sự tham gia hỗ trợ từ phía Nhà nước về tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ...

img

Nhờ làm tốt chương trình khuyến nông nên Quảng Ngãi đã gặt hái được khá nhiều thành công trong việc đưa các loại giống cây trồng, cá nước ngọt vào sản xuất, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TL

Đặc biêt, để thúc đẩy sản xuất phát triển tỉnh đã ban hành một số chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (tại Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15.1.2013); Hỗ trợ khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất NN (tại Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 7.8.2013); hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí địa phương (tại Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 24.6.2014); Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã (tại Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 24.6.2014)... Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Quảng Ngãi đã làm như thế nào để huy động nguồn lực xã hội hóa nói chung và từ các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho người dân?

Là tỉnh có nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương, nhưng Quảng Ngãi vẫn là tỉnh nghèo, có 06/14 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; 21 xã bãi ngang ven biển, thường xuyên bị tác động lớn của thiên tai, dịch bệnh; bình quân diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, thu nhập của người dân nông thôn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM là rất khó khăn. Chính vì thế ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu cho tỉnh cân đối bố trí tăng vốn đầu tư cho xây dựng NTM từ nguồn ngân sách tập trung của tỉnh

Ngoài ra, khuyến khích người dân Quảng Ngãi đang sinh sống, làm ăn thành đạt ở các địa phương ngoài tỉnh góp sức cùng địa phương đầu tư xây dựng quê hương, trong đó chú trọng các hạng mục cấp thiết phục vụ trực tiếp cho đời sống của người dân như: Trạm y tế, trường mầm non, đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hóa và khu thể thao thôn... Kêu gọi hàng chục tỷ đồng từ các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty Doosan Vina, các ngân hàng thương mại (Vietcombank, Viettinbank, BIDV, MB,...), Nhà máy Bia Sài Gòn…

Tuy nhiên, nhưng vấn đề có tính chất cơ bản, lâu dài và bền vững vẫn là nội lực cộng đồng - sự tham gia đóng góp của người dân; nội lực cộng đồng không chỉ là tham gia tài chính của người dân, điều quan trọng là tạo ra sự năng động của cộng đồng trong thảo luận, ra quyết định, tổ chức triển khai các hành động tập thể kể cả khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước như vận động sửa sang nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh, cải tạo vườn tược, chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư phát triển sản xuất...

Sau hơn 3,5 năm xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy có những bất cập lớn nào về chính sách (Trung ương và địa phương) cần được sửa đổi?

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, nguồn vốn thực hiện gồm: Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn: Chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư, song cho đến nay cơ chế lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã chưa được các bộ ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện.

Đặc biệt, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN nông thôn chưa đi vào cuộc sống. Đến nay, Bộ KH-ĐT chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn...

Tỉnh Quảng Ngãi có chính sách khen thưởng, động viên những huyện - xã sớm đạt được mục tiêu NTM; khen thưởng những cá nhân, doanh nghiệp nổi bật và có những đóng góp to lớn cho chương trình?

Để đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc giải quyết tốt các vấn đề về nông nghiệp nông dân, nông thôn và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM.

Nội dung thi đua rất rộng rãi, tập trung vào việc thực hiện 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia, từ việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo vệ môi trường...

Nội dung khen thưởng cũng rất phong phú với nhiều hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng khác nhau từ thấp đến cao: khen thưởng hàng năm, khen thưởng cho một giai đoạn. Tiêu chuẩn khen thưởng từ cờ thi đua của Chính phủ đến bằng khen của tỉnh, giấy khen của các sở ngành, huyện, thành phố, UBND xã ...tùy theo công lao và mức độ đóng góp cho sự nghiệp chung xây dựng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định khen thưởng cho 22 tập thể và 31 cá nhân đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng NTM”.

Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về tầm nhìn nông thôn mới đến 2020 trong mối tương quan với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện của tỉnh Quảng Ngãi?

Theo kế hoạch xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi (Kế hoạch số 1167/KH-UBND ban hành ngày 19.4.2012) giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 thì số xã đạt chuẩn xã NTM đến năm 2015 là 33 xã và năm 2020 là 89 xã. Vì vậy, cùng với việc phát triển CNH-HĐH tỉnh sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM; đảm bảo thay đổi từ diện mạo nông thôn đến cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.

Xin  cảm ơn ông!

Đoàn Hồng (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem