Cả tỉnh Quảng Ninh cùng đi bán online nông sản, thủy sản, nông dân hết lo ngay ngáy
Quảng Ninh: "Chốt" hơn 109.000 đơn hàng nông sản, thủy sản bằng cách này, giúp nông dân bớt lo ngay ngáy
Nguyễn Quý
Thứ sáu, ngày 02/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tới thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh đã phục hồi, ổn định trở lại, thậm chí còn có nhiều cơ hội mới, ngay khi dịch Covid-19 còn đang hoành hành trên cả nước.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đến những người nuôi trồng nông, thủy, hải sản ở Quảng Ninh. Các sản phẩm làm ra đều ở trong tình trạng tồn đọng, giảm giá sâu, rất khó khăn trong việc tiêu thụ.
Để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông, thủy sản, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa, như: Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thủy sản qua các sàn thương mại điện tử; đưa nông, thủy sản vào tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, tại các bếp ăn tập thể, nhất là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các KCN trên địa bàn…
Qua đó, góp phần tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng, cũng như nông sản bị ứ đọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Một trong những biện pháp bán hàng hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh là bán hàng online qua website, Facebook, Zalo, điện thoại... với 109.682 đơn hàng, tương đương trên 227 tỷ đồng.
Hiện đã có 223 sản phẩm nông, thủy sản đang được tăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.806 đơn đặt hàng, trong đó có khoảng 80% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch.
Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hoạt động xuất nhập khẩu đã được khôi phục trở lại. Đặc biệt là việc xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, như: Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan…
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 vùng trồng cây ăn quả, với 3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long và 4 vùng trồng vải, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã xuất khẩu 523,3 tấn nông sản các loại sang Trung Quốc đạt; xuất khẩu 720 tấn ruột hàu Thái Bình Dương sang Đài Loan.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang chủ động khảo sát nhu cầu tiêu thụ hàu sống nguyên con, ruột hàu sống tại các thị trường Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Campuchia...
Những cơ hội mớicủa nông sản Quảng Ninh thấy ngay trong mùa dịch
Sở Công Thương phối hợp với Sở NNPTNT cùng UBND các địa phương rà soát, thống kê hàng hóa, nông sản, hoa màu... do nhân dân trong tỉnh nuôi, trồng đến thời điểm thu hoạch để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho nhân dân. Đến nay, nhiều chương trình đã được thực hiện và đạt được hiệu quả, giúp cho người dân, doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo về thị trường.
Ngoài việc thực hiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông, thủy sản của Quảng Ninh với các đơn vị kinh doanh, phân phối trong và ngoài tỉnh, tại lối mở cầu phao Km3+4 (TP.Móng Cái), các cơ quan chức năng đã kết nối, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm… đáp ứng được yêu cầu đối với hàng hóa, nông sản nhập khẩu của phía bạn Trung Quốc.
Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong tiêu thụ nông, thủy sản, Sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở NNPTNT, cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu những chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng và xây dựng nghị quyết riêng để phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, đảm bảo tốt việc mở rộng thị trường tiêu thụ nguồn thủy, hải sản của tỉnh khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
Ngoài ra, Sở Công Thương thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ nông, thủy sản hằng ngày, để kịp thời có những giải pháp, đề xuất điều tiết thị trường cho phù hợp, không để tình trạng tồn hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc thu mua nông, thủy sản của tỉnh; phối hợp, liên hệ với các đối tác lớn thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm, nhằm tránh bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Với sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, hiện nay các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh cơ bản đã không còn lượng tồn nhiều, hàng hóa đa số đã có thị trường tiêu thụ ổn định.
Một số mặt hàng như cam, vải thiều, ngao hai cùi, hàu, gà, cơ bản đã tiêu thụ đạt và vượt sản lượng cần hỗ trợ tiêu thụ, các mặt hàng khác vẫn đang tiêu thụ ở mức ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.