Quảng Ninh đối thoại với đơn vị tham gia chương trình OCOP

Hoàng Anh Tuấn Thứ bảy, ngày 10/12/2016 16:25 PM (GMT+7)
Sáng nay (10.12), tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị đối thoại với các tổ chức, đơn vị, cơ sở và hộ sản xuất tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
Bình luận 0

Hội nghị được tổ chức với mong muốn được lắng nghe ý kiến của các tổ chức, đơn vị, cơ sở tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa OCOP tỉnh. Qua đó, giúp tỉnh có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất…

img

Buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với đơn vị tham gia Chương trình OCOP diễn ra sáng 10.12.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, về phát triển sản xuất, toàn tỉnh đến nay đã có 198 sản phẩm, nhóm sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, mẫu mã phong phú được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

img

 Đại diện cơ sở và hộ tham gia Chương trình OCOP đưa ra các ý kiến tại hội nghị.

Hiện toàn tỉnh có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình. Trong đó, thành lập mới 12 doanh nghiệp, 29 HTX, 11 tổ hợp tác và 94 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh. Quy mô, năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình có sự tăng trưởng nhanh với tổng vốn pháp định đăng ký trên 117 tỷ đồng, thu hút 2.172 lao động.

Tại hội nghị đã có gần 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kiến nghị một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách, tín dụng, xúc tiến thương mại, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, vướng mắc về đất đai...

Tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đều được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trực tiếp giải đáp.

img

 Những ý kiến thắc mắc trên được Phó Chủ tịch Đăng Huy Hậu trực tiếp trả lời.

Có mặt tại hội nghị, phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới tỉnh sẽ vận dụng các quy định của pháp luật để tháo gỡ cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần xây dựng các kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở thực hiện liên kết theo chuỗi, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở KH&CN cần tích cực hỗ trợ người dân trong vấn đề kỹ thuật từ sản xuất, chế biến, thị trường nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì.

Thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt quản lý các sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, tỉnh sẽ đình chỉ sản xuất. Năm 2017, tỉnh sẽ lựa chọn các sản phẩm chủ lực để có các chính sách riêng trong phát triển, từng bước tiến tới xuất khẩu. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2 lần/năm, trong đó, giảm dần sự hỗ trợ của nhà nước, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh cũng yêu cầu, Ban Điều hành OCOP tổng hợp tất cả các ý kiến tham gia tại hội nghị để giao cho các sở, ngành, địa phương trả lời cụ thể bằng văn bản trong tháng 12.2016…

Để thúc đẩy Chương trình OCOP, đồng chí đề nghị các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem