Trung tâm được triển khai xây dựng từ tháng 6.2014 do Công ty TNHH MTV Thành Tâm 668 làm chủ đầu tư với tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Trung tâm có tổng diện tích 1.300m2, trong đó khu trưng bày, mua sắm các sản phẩm OCOP của tỉnh rộng 1000 m2, còn lại 300 m2 là bãi đỗ xe, công trình phụ trợ.
Cắt băng khánh thành Trung tâm OCOP lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.
Thời điểm hiện tại, Trung tâm OCOP tại Đông Triều là trung tâm lớn nhất tỉnh với trên 100 sản phẩm OCOP đặc trưng của 14 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm OCOP tại Đông Triều nằm cạnh đường Quốc lộ 18 ở vị trí điểm đầu vào tỉnh Quảng Ninh nên rất thuận lợi. Chính vì thế, đây cũng là điểm dừng chân mua sắm, kết nối các tour du lịch, quảng bá hình ảnh con người, sản vật Quảng Ninh ra với bạn bè trong nước và quốc tế.
Để đảm bảo cho Trung tâm hoạt động, Công ty TNHH 1TV Thành Tâm 668 đã đào tạo, bồi dưỡng cho 30 nhân viên làm công tác phục vụ, bán hàng; xây dựng các pano áp phích, tờ rơi tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm; kết nối với trên 40 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất để cung ứng sản phẩm bán tại Trung tâm.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rẳng, Trung tâm OCOP tỉnh Quảng Ninh tại Đông Triều sẽ là Trung tâm giới thiệu, bày bán các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đồng thời cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, thưởng thức các sản vật do trực tiếp người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sản xuất.
Ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (thứ hai từ phải sang) kiểm tra một sản phẩm OCOP tại lễ khai trương.
Ông Đặng Huy Hậu cũng nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến Chương trình OCOP và có đề án thực hiện cụ thể. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhiều sản phẩm nông nghiệp của người nông dân tại hầu khắp các vùng quê trên địa bàn tỉnh đã có thương hiệu riêng, từng bước khẳng định được vị thế; các sản phẩm được sản xuất sạch hơn với việc áp dụng KHCN vào trồng trọt, sản xuất; người dân đã biết xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, manh mún chuyển sang sản xuất tập trung; sản phẩm được nâng cao giá trị, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân; tạo được chuỗi sản xuất liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông”…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.