Quảng Ninh hành trình 60 năm: Đất mỏ bứt phá, phát triển kinh tế bền vững

Nhóm P.V Chủ nhật, ngày 29/10/2023 15:58 PM (GMT+7)
Niềm tự hào của Quảng Ninh là kinh tế liên tục tăng trưởng cao và giữ vững đà tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới.
Bình luận 0

Trải qua quá trình 60 năm xây dựng, phát triển, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên của địa phương… từ một tỉnh nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Đột phá về hạ tầng giao thông

Niềm tự hào của Quảng Ninh là kinh tế liên tục tăng trưởng cao và giữ vững đà tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế.

Đất mỏ bứt phá, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại chương trình Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Ảnh: P.V


Công tác quy hoạch được quan tâm, chất lượng quy hoạch được nâng cao và là công cụ quan trọng để quản lý và thu hút các nguồn lực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%. 

Những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn, như tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái đưa Quảng Ninh… trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046km), tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.

Đặc biệt, chính sách chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai hiệu quả, đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền.

Từ năm 2013, Quảng Ninh tiên phong triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP của Quảng Ninh trở thành điển hình và được Chính phủ quyết định nhân rộng ra toàn quốc.

Nơi chính quyền số dẫn đầu cả nước

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai hiệu quả, đồng bộ, tích cực các nội dung của cải cách hành chính (CCHC), trong đó, luôn đề cao vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đất mỏ bứt phá, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 3.

Cảng hàng không Vân Đồn là dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa sân bay đầu tiên tại nước ta. Ảnh: L.H

Đội ngũ lãnh đạo của Quảng Ninh cũng thường xuyên chỉ đạo việc tổ chức, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân, giúp các cấp chính quyền có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.

Đất mỏ bứt phá, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 4.

Đến năm 2023, tỉnh đã có 10 năm thực hiện đánh giá Chỉ số CCHC và 6 năm đánh giá Chỉ số đo lường sự hài lòng.

Điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được đó là "dám nhìn thẳng sự thật", tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới. 

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, kết quả chỉ số CCHC năm 2022, tỉnh Quảng Ninh vinh dự đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số CCHC (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS); 6 năm dẫn đầu toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI từ năm 2017 đến năm 2022)…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng là tỉnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số. Đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư; thực hiện số hóa thủ tục hành chính và 25 dịch vụ công thiết yếu; đưa 186 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số CCHC vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về vấn đề này. 

"Nhân tố con người, vai trò người đứng đầu, người dẫn dắt; sự vận hành hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra; năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương thích ứng với sự thay đổi... chính là những yếu tố quyết định thành công" - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Phấn đấu thành tỉnh Kiểu mẫu - Giàu đẹp - Văn minh - Hiện đại

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm", để thực hiện mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem