Năm 2012, huyện đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 3 công trình điện với quy mô 5.139m đường dây trung áp, 3 trạm biến áp để cấp điện cho 375ha nuôi tôm công nghiệp ở các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, dự kiến đưa vào phục vụ sản xuất ngày 6.9.2013.
Nhiều trạm nuôi giống phục vụ cho việc nuôi trồng ở cả 3 xã phải dùng điện từ máy nổ.
Nhìn những cột điện được dựng lên nối dài những đường dây bao quanh khu nuôi trồng của mình, ai cũng mừng vì sắp được dùng điện với giá phù hợp. Nhưng đáng buồn là công trình làm xong không có ai nhận bàn giao, quản lý, vận hành.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, do đường dây 35kV mang tính đặc thù nên UBND huyện không đủ nhân lực để quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy định, tiêu chuẩn của ngành điện. Để sớm đưa các công trình trên vào phục vụ sản xuất, dân sinh, ngày 6.9.2013, UBND huyện Đầm Hà đã có công văn 624/UBND gửi Công ty Điện lực Quảng Ninh đề nghị tiếp nhận bàn giao, quản lý, vận hành các công trình cấp điện nuôi tôm công nghiệp, nhưng Công ty Điện lực Quảng Ninh lại ra văn bản 2539/PCQN-KHĐT ngày 23.9.2013 có ý kiến không tiếp nhận 3 công trình trên với lý do: Công ty không được giao nhân lực, tiền lương để quản lý các trạm biến áp chuyên dụng của khách hàng.
Không chỉ Điện lực Quảng Ninh từ chối trách nhiệm mà ngay cả Công ty Điện lực Miền Bắc cũng chẳng đoái hoài gì đến công văn 6833 của UBND tỉnh đề nghị tiếp nhận hệ thống lưới điện trên. Tình trạng này không những khiến công trình điện bị lãng phí, mà người dân trong vùng dự án hoang mang lo lắng, không biết nên chờ đợi ngành điện, hay tự đầu tư…
Đông Hải - Hoàng Anh Tuấn (Đông Hải - Hoàng Anh Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.