Sau 2 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, Quảng Ninh đã có những điển hình nổi bật nào về tiêu chí môi trường, thưa ông?
- Việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ góp phần xây dựng NTM theo hướng bền vững về môi trường sản xuất, môi trường sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn.
Trong 2 năm qua (2011 - 2012), các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung làm tốt các chỉ tiêu về môi trường như nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xử lý thu gom chất thải, nước thải theo quy định, quy hoạch lại nghĩa trang, các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các huyện đều có các xã điển hình về thực hiện tiêu chí này. Thực hiện tốt là các xã ở huyện Đông Triều, Hải Hà, Móng Cái...
|
Ông Trương Công Ngàn - Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh |
Trong việc thực hiện tiêu chí môi trường hiện nay, những vướng mắc tồn tại chung nhất thường gặp là gì?
- Vấn đề chung nhất là ý thức, tập quán của người dân trong sản xuất, trong vệ sinh môi trường ăn ở, sinh hoạt. Nhiều vùng miền trong tỉnh vẫn giữ thói quen chăn nuôi ngay trong khu ở, hoặc sát nhà ở, nhà tiêu chưa hợp vệ sinh. Chi phí cho đảm bảo môi trường sản xuất như xây dựng hầm biogas, xử lý nước thải chăn nuôi cao nên khó thưc hiện. Do các lý do lịch sử để lại, việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang tập trung phải thực hiện dần từng bước.
Ngoài ra, việc giám sát đánh giá các cơ sở sản xuất theo chứng nhận hoặc bản cam kết đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường đối với cấp xã gặp khó khăn về đội ngũ cán bộ (thiếu cán bộ môi trường) cũng như công cụ đánh giá tác động môi trường.
Để thực hiện hiệu quả công tác này, Quảng Ninh đã đề ra những giải pháp chủ yếu nào cho năm 2013?
- Chúng tôi xác định, thực hiện tốt các chỉ tiêu về môi trường sẽ góp phần làm cho sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đời sống được nâng cao chất lượng, đảm bảo tốt sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động khu vực nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 10.12.2010; Chỉ thị số 30-CT-TU ngày 7.9.2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giải pháp được đề ra để từng bước cải thiện môi trường nông thôn là: Quy hoạch không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường. Các dự án sản xuất tập trung đều đề ra các giải pháp xử lý môi trường đồng bộ đi liền ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ sinh học, sinh thái vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; ưu tiên thực hiện một số chương trình và dự án đáp ứng việc thu gom, vận chuyển rác thải; di dời cơ sở chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, pháp luật về bảo vệ môi trường cho nhân dân.
Kinh phí ngân sách mà Quảng Ninh bố trí cho việc thực hiện những giải pháp này trong năm 2013 là bao nhiêu?
- Trong Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh có quy định cứng bố trí 15% trong tổng nguồn vốn năm 2013 (khoảng 45 tỷ đồng) giao cho các địa phương để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chung trong toàn tỉnh trên 800 tỷ đồng.
Quảng Ninh sẽ vận dụng hình thức xã hội hóa việc thực hiện các tiêu chí môi trường như thế nào?
- Đây là việc khó, nhất là ở những vùng nông thôn dân trí chưa cao, địa bàn rộng. Vì vậy, việc thực hiện phải từng bước trên cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi xác định việc xã hội hóa trong bảo vệ, vệ sinh môi trường phải chính từ người dân trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2012, có đến 90% dân số khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trước hết đối với người dân, tỉnh chỉ đạo và các địa phương (các xã đông dân cư và sống tương đối tập trung) đã thực hiện tốt việc thành lập được các tổ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, các địa phương này đều xây dựng được quy chế thu phí vệ sinh môi trường từ nhân dân phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển rác. Quảng Ninh cũng đang thực hiện thí điểm công nghệ lò đốt rác mới không sử dụng nhiên liệu điện hay dầu ở các khu đông dân cư, khu du lịch (huyện đảo Cô Tô, thị xã Quảng Yên, TP.Uông Bí và huyện Tiên Yên).
Góp phần thực hiện tiêu chí môi trường, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, công ty thu gom, xử lý rác thải như ở Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, Vân Đồn.
Theo ông, trong tiêu chí về môi trường, những chỉ tiêu nào cần có sự linh động hoặc điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của địa phương?
- Trong tiêu chí 17 về môi trường có 5 chỉ tiêu, về cơ bản đều phù hợp với địa bàn nông thôn tỉnh Quảng Ninh, theo tôi không cần phải điều chỉnh để hướng tới môi trường nông thôn tốt hơn và bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Sơn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.