Khó tìm lao động biển
Đầu hè, không khí ra khơi đánh bắt vụ cá nam ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, trên khuôn mặt của các chủ tàu cá luôn hằn in một nỗi lo khó tìm lao động biển.
Mẻ cá bè vàng lịch sử 5 tỷ đồng do ngư dân Lê Văn Tuấn (Gio Việt, Gio Linh)
khai thác được chứng minh muốn khai thác biển hiệu quả cần đầu tư máy móc hiện đại. Ảnh: Ngọc Vũ
Ngư dân Bùi Xuân Tấn (thị trấn Cửa Việt) thở dài cho biết, vài năm trở lại đây, đa số thanh niên học xong THPT, hoặc sinh viên ra trường thất nghiệp đều dắt nhau đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Biết rằng chọn con đường đi XKLĐ sẽ tốt cho người trẻ, nhưng vì thế mà lực lượng lao động biển ngày một ít dần.
Ngư dân Bùi Đình Mười (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) cho biết, ở tuổi 30, anh là chủ tàu trẻ tuổi nhất ở thị trấn Cửa Việt. Con tàu 460CV của anh Mười trước đây luôn phải thường trực 8 lao động mới có thể hoạt động. Chỉ 8 người nhưng đôi khi ra khơi vẫn không đủ bạn thuyền.
Anh Mười cho hay, nhiều năm trở về trước, lao động biển nhiều, đôi khi sợ không được chủ tàu gọi đi nên bạn thuyền đến nhà năn nỉ, đóng tiền đặt chỗ. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lớp thanh niên đi XKLĐ nhiều, lao động biển ít dần nên mỗi lần ra khơi rất khó tìm kiếm lao động.
Bởi vậy, nhiều chủ tàu phải đến nhà năn nỉ, “mua” hẳn bạn thuyền. Nghĩa là chủ tàu sẽ trả trước tiền công lao động cho bạn thuyền trong một năm khoảng 70-100 triệu đồng để đảm bảo quân số khi ra khơi.
“Đi biển sóng to gió lớn, đối mặt nhiều gian nan, nguy hiểm nên lớp thanh niên trẻ chọn con đường XKLĐ. Tính bình quân đi XKLĐ công việc nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn đi biển. Tuy nhiên, nếu bạn thuyền đi ở những tàu làm ăn tốt thì thu nhập cũng không kém cạnh” – anh Mười nói.
Ở Cửa Việt, ngư dân lớn tuổi nhất ở tuổi 57, nhỏ nhất là 23 tuổi, còn lại trung bình từ 35-45 tuổi – độ tuổi không thể XKLĐ. Ông Trần Đình Cảm - Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, từ năm 2010 đến nay địa phương có trên 400 người, chủ yếu ở độ tuổi thanh niên đi XKLĐ. “XKLĐ là hướng đi thị trấn Cửa Việt chú trọng để nâng cao đời sống người dân…” – ông Cảm nói.
Níu chân bạn thuyền
Ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị cho biết, lao động biển ngày càng ít, đặt ra vấn đề cho các chủ tàu. Những tàu có thu nhập cao thì lao động cơ bản đủ, nhưng tàu có thu nhập thấp, bạn thuyền không mấy mặn mà. Cách tốt nhất các chủ tàu ứng phó là mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là máy thu lưới để giảm số lượng lao động, tăng hiệu quả và thu nhập cho thuyền viên.
Ngư dân Bùi Đình Mười cho biết, ngoài máy thu lưới từ biển lên tàu, anh vừa sắm thêm máy thao lưới 70 triệu đồng để đưa lưới từ tàu xuống hầm. Nhờ vậy, thay vì cần 8 lao động như trước, nay với 6 lao động là tàu có thể vươn khơi. “Sắm thêm máy móc hiện đại giúp giảm được lao động trên tàu. Thay vì kéo lưới bằng tay mệt nhọc cả ngày, nay có máy làm, anh em thuyền viên đỡ vất vả nên rất khoái…” – anh Mười nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng -Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, đơn vị đã và đang chuyển giao nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật, máy móc cho ngư dân như máy dò ngang, máy thu lưới, thao lưới, cải hoán hầm tàu bằng vật liệu Polyurethane để ướp cá tốt hơn…
Để níu chân bạn thuyền, trước tiên thuyền trưởng phải giỏi, máy móc hiện đại để khai thác có hiệu quả. Câu chuyện mẻ cá bè vàng 5 tỷ đồng do ngư dân Lê Văn Tuấn (xã Gio Việt, Gio Linh) khai thác được vào giữa tháng 3 là một ví dụ điển hình…”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.