Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024

Lê Vân Thứ tư, ngày 08/12/2021 10:48 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang tập trung các nguồn lực để đầu tư các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2024.
Bình luận 0

Thu nhập gần 51 triệu đồng/người/năm

Một trong những điều kiện đầu tiên để xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM là huyện phải có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2024, vấn đề khó nhất hiện nay của huyện là 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Vĩnh Khê đạt chuẩn NTM. Để giải quyết khó khăn này, ngày 12/11/2021 UBND huyện đã ban hành đề án số 2050/ĐA-UBND về phát triển kinh tế xã hội để đạt chuẩn NTM các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giai đoạn 2021-2025.

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 1.

Một góc xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Ảnh: CTTĐT huyện Vĩnh Linh.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ; nhận thức về xây dựng NTM, về bảo vệ môi trường được nâng cao; cách thức tổ chức sản xuất của người dân được thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên...

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 2,98%. Huyện đã có 12/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, mức đạt tiêu chí bình quân/xã là 18,2 tiêu chí; huyện đạt 5/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện NTM. Để đưa huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn NTM vào năm 2024, vấn đề khó nhất hiện nay của huyện là 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Vĩnh Khê đạt chuẩn NTM.

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 2.

Trụ sở UBND xã Vĩnh Khê được đầu tư xây dựng mới khang trang. Ảnh: Lê Vân.

Đến cuối năm 2020, các xã miền núi huyện đạt bình quân 13 tiêu chí/xã, trong đó Vĩnh Hà đạt 17/19 tiêu chí, Vĩnh Khê đạt 13/19 tiêu chí, Vĩnh Ô đạt 9/19 tiêu chí. Đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn: còn 168 hộ dân đang ở nhà tạm, 2/3 số hộ dân tộc tiểu số chưa tiếp cận nguồn nước sạch, 422 hộ thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (Vĩnh Ô 44,14%, Vĩnh Khê 21,38%, Vĩnh Hà 6,9%), thu nhập bình quân đầu người thấp (Vĩnh Ô 20 triệu đồng/người/năm, Vĩnh Khê 27 triệu đồng/người/năm, Vĩnh Hà 37 triệu đồng/người/năm).

Phấn đấu năm 2024 thành huyện NTM

Để giải quyết khó khăn này, ngày 12/11/2021 UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành đề án số 2050/ĐA-UBND về phát triển kinh tế - xã hội để đạt chuẩn NTM các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giai đoạn 2021-2025, với quan điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thực hiện xây dựng NTM ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc tiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng đồng bằng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 3.

Nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Linh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mỹ Hằng.

Trên cơ sở đó, mục tiêu mà đề án đề ra phấn đấu đến năm 2025: thu nhập bình quân đầu người ở 3 xã tăng 2-2,5 lần năm 2020 (Vĩnh Ô 50-55 triệu đồng, Vĩnh Khê 55-60 triệu đồng, Vĩnh Hà 70-75 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, hàng năm giảm bình quân trên 7%; 60-65% hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế thực hiện giảm nghèo bền vững; xóa 100% nhà ở tạm bợ cho các hộ nghèo, 100% hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được vay vốn; phấn đấu xã Vĩnh Hà đạt chuẩn NTM năm 2021, Vĩnh Khê đạt chuẩn năm 2023, Vĩnh Ô đạt chuẩn năm 2024.

Để đạt các mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp được huyện Vĩnh Linh triển khai trong thời gian tới, đó là sử dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tính tự giác chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc tiểu số.

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 4.

Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2024 thành huyện NTM. Ảnh: CTTĐT huyện Vĩnh Linh.

Tiếp tục hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị như: Cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), tiểu gia súc (lợn rừng, lợn bản, dê) theo mô hình trang trại, gia trại ở những địa bàn phù hợp, tạo sản phẩm đặc sản, độc đáo thay thế cho sản phẩm cao sản, đại trà để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của vùng để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Mỗi năm hỗ trợ xây dựng tối thiểu 3 mô hình sản xuất (100 triệu đồng/mô hình) cho các hộ người đồng bào dân tộc tiểu số để làm điểm học tập và nhân rộng, hỗ trợ 34 hộ nghèo đồng bào dân tộc tiểu số thực hiện mô hình phát triển sản xuất (bình quân 50 triệu đồng/mô hình). Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh của hộ nghèo vùng dân tộc tiểu số.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tiểu số như: Lễ hội cồng chiêng; ngày hội văn hóa dân tộc tiểu số.... Khai  thác hệ thống suối tại các bản của xã Vĩnh Ô gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm, thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc tại 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô. 

Tăng cường công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào dân tộc tiểu số; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội nông thôn. 

Để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện sẽ triển khai lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ đầu tư cho xây dựng NTM để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, với kinh phí dự kiến là 85,497 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện 29,8 tỷ đồng; ngân sách Trung ương, tỉnh 24,445 tỷ đồng; còn lại là ngân sách các chương trình, dự án khác.

TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI

 NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem