Huyện Lục Ngạn: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

Việt Tùng Thứ ba, ngày 07/12/2021 16:30 PM (GMT+7)
Đến nay huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có 11/28 xã đạt chuẩn NTM; 5 thôn đạt chuẩn thôn NTM; 3 thôn NTM kiểu mẫu. Trong đó, hơn 80% thôn, bản đạt danh hiệu làng văn hóa; giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2020 đạt 99,6 triệu đồng/người/năm...
Bình luận 0

Việc dễ làm trước…

Là một huyện miền núi diện tích rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi, có nhiều đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, các ngành nghề khác như công nghiệp, dịch vụ… chưa thực sự phát triển. 

Do đó, khi bắt tay vào xây dựng NTM huyện Lục Ngạn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về huy động vốn, khó khăn xuất phát điểm của các xã rất thấp, nên cơ sở vật chất hầu như đều cần đầu tư xây mới. Hệ thống đường giao thông dài, lại thưa dân… làm thế nào để đưa các xã về đích là câu hỏi không dễ trả lời đối với lãnh đạo huyện Lục Ngạn lúc bấy giờ.

Huyện Lục Ngạn: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Chế biến vải thiểu để xuất khẩu đi Nhật Bản của HTX vải thiều Lục Ngạn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

Để tháo gỡ, ngay từ những ngày đầu, huyện đã tổ chức họp thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện và các tiểu ban cấp xã. Đồng thời quán triệt cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, nhất là những lãnh đạo chủ chốt, lấy Đảng viên làm nòng cốt, rồi lan tỏa ra toàn dân, trên tinh thần dân chủ "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ".

Trong quá trình triển khai, chọn những việc dễ làm trước, các tiêu chí dễ làm trước, các xã có tiềm lực tốt tạo điều kiện cho về đích trước. Vướng ở đâu giải quyết ở đó, cố gắng làm bằng mọi cách để về đúng đúng hẹn, chứ không làm bằng mọi giá để về đích, hạn chế nợ đọng khi các xã về đích.

Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo đó, mà chương trình xây dựng NTM của huyện Lục Ngạn những năm qua đã đạt được rất nhiều kết rất quả đáng tự hào. Diện mạo NTM đã hiện hữu ở khắp nơi, khi đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, những công trình văn hóa, thể thao, y tế, trường học… mới mọc lên trên chính mảnh đất khó khăn trước đây.

Năm 2020, là một năm vô cùng khó khăn, khi cả nước phải đối mặt với dịch bệnh COVID19 ngày càng diễn biến phức tạp, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chung sức đồng lòng của người dân, huyện Lục Ngạn đã hoàn thành 4 xã (Biển Động, Biên Sơn, Phượng Sơn, Đồng Cốc) nông thôn mới năm 2020 trước 4 tháng chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn nhiệm kỳ 2020-2025, với nhiều kết quả nổi bật:

Xã Biển Động cứng hóa được 50km đường giao thông nông thôn, 10km kênh mương nội đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2019 còn 3,29%. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân xã Biển Động đã tự nguyện hiến 16,5ha đất, hơn 5 nghìn ngày công trị giá chục tỷ đồng.

Huyện Lục Ngạn: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Sau 10 năm xây dựng NTM, huyện Lục Ngạn đã xây mới hàng chục nhà văn hóa thôn khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân.

Xã Đồng Cốc cứng hóa được 61,4km đường giao thông nông thôn, 12,8km kênh mương nội đồng. Xã đã hình thành vùng cây ăn quả vải, cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi diễn 827ha, các sản phẩm đã có đầu ra ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 38,9 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2019 còn 4,58% (giảm 12,5% so với năm 2015). Nhân dân đã hiến 1,2ha đất, trên  3 nghìn ngày công và 2,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Xã Biên Sơn cứng hóa được 34,23km đường giao thông nông thôn; 9,62km kênh mương nội đồng. Hằng năm, HTX Hồng Xuân ký hợp đồng tiêu thụ từ 120 - 150 tấn quả tươi cho nhân dân trong xã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 đạt 38,33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020 còn 7,4%.

Xã Phượng Sơn cứng hóa được 81km đường giao thông nông thôn; 8,6km kênh mương nội đồng. Phát triển sản xuất được xã đặc biệt quan tâm với thế mạnh vùng trồng cây ăn quả Vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, bưởi Hoàng, Diễn, Da xanh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 61,48 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của xã có 21/3276, chiếm 0,64%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nhân dân trong xã đã đóng góp trên 23,9 tỷ đồng (chiếm 51,7% nguồn vốn huy động), hiến 3,5ha đất, hàng ngàn ngày công lao động…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình triển khai có rất nhiều những bài học hay, gương tiêu biểu của nhiều địa phương và nhiều nhân tố góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của chương trình.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí

Năm 2019, sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Mộc (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã xây dựng NTM thành công. Bằng nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ và huy động sức dân, giai đoạn 2011-2020, xã đầu tư tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn xã Tân Mộc là 10,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 4,1 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh: 2 tỷ đồng. Ngân sách huyện: 2,3 tỷ đồng. Ngân sách xã: 242 triệu đồng.

Huyện Lục Ngạn: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Đoàn thanh niêm huyện Lục Ngạn tham gia vẽ tranh bích họa trên tường, tạo nên một không gian nhiều màu sắc trên nhiều tuyến đường.

Vốn nhân dân đóng góp và lồng ghép khác: 2,2 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình (135; Giáo dục, điện, làm đường giao thông theo Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang v.v …): 85 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân còn hiến ngày công lao động, hiến đất và các tài sản gắn liền với đất xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất. 

Kể từ khi về đích đến nay, xã tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nhằm nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng kinh tế.

Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh. Tập trung mọi nguồn lực để duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Huyện Lục Ngạn: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Niềm vui của lãnh đạo và người dân xã Tân Mộc khi đón nhận quyết định của UBND tỉnh công nhận xã về đích NTM.

Phấn đấu năm 2021: Bình quân thu nhập đầu người đạt 60 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 90% – 95%, giữ vững tỷ lệ làng văn hóa 85%; giữ vững 3 nhà trường đạt chuẩn Quốc gia và xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; Đảng bộ và các đoàn thể chính trị – xã hội hàng năm đạt trong sạch vững mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2021 huyện Lục Ngạn phấn đấu có thêm 3 xã gồm: Trù Hựu, Kiên Thành và Nam Dương đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 14 xã; chọn thôn Cống, xã Kiên Lao xây dựng đạt chuẩn thôn NTM; chọn 2 thôn gồm Đồng Quýt, xã Tân Mộc và Lai Hòa, xã Quý Sơn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu; chỉ đạo xã Quý Sơn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Chỉ đạo các xã hoàn thành từ 1 đến 3 tiêu chí NTM, nâng bình quân tiêu chí/xã lên 15,7 tiêu chí.  

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; lấy đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đăng ký với Ban Thường vụ Huyện ủy, nhiệm vụ cam kết giữa Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem