Quay clip đánh nhau để… khoe, hỏi sao sự hung ác không lên ngôi?

Lê Chiên – Bảo Linh (ghi) Thứ bảy, ngày 11/02/2017 06:32 AM (GMT+7)
“Gần 6.000 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết – Đó là con số đáng xấu hổ, là báo động đỏ đối với mỗi gia đình và xã hội".
Bình luận 0

“Gần 6.000 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết – Đó là con số đáng xấu hổ, là báo động đỏ đối với mỗi gia đình và xã hội.

Đâu phải chỉ do uống rượu mà con người ngày càng trở nên hung hãn? Rượu, bia chỉ là chất xúc tác mà sâu xa là sự xuống cấp của đạo đức xã hội; sự yếu kém trong giáo dục, quản lý của mỗi gia đình và của cả những cơ quan Nhà nước có liên quan.

img

Ảnh minh họa. Dân Việt

Thấy một đám đánh nhau không những không can ngăn mà còn xúm vào xem, cổ súy, quay clip đưa lên mạng để “khoe” đó như một chiến tích, hỏi rằng làm sao sự hung ác không lên ngôi? Theo tôi trách nhiệm trước tiên thuộc về mỗi gia đình, bố mẹ cần gương mẫu, quan tâm quản lý giáo dục con cái. Các tổ chức xã hội cần phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hòa thuận với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tiễn cho thành viên tổ chức mình. Xử lý nghiêm minh hành vi đánh chửi nhau, gây rối trật tự công cộng…

(Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương -Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển, trường ĐH Nội Vụ, Hà Nội)

Rượu vào, “đòn” ra?

“Phần lớn các cuộc gây gổ đánh nhau vào dịp đầu năm là do rượu, bia. Vào ngày đầu xuân năm mới, người người nhà nhà đi chúc xuân, đến nhà nào cũng đưa ly rượu ra mời. Chỉ cần tính trung bình nhà có 1-2 ly thôi mà đi chục nhà đã là mấy chục ly rượu, việc này diễn ra đặc biệt nhiều ở vùng nông thôn.

Ông bà ta có câu “rượu vào thì lời ra” khi ngà ngà rồi lại hay chấp nhau chỉ vì một câu nói, một ánh mắt thiếu thiện cảm hay rượu vào nhớ lại chuyện “ghét” mà đi gây sự… Một khi đã có rượu trong người thì con người ta không thể kiếm chế được bản thân, thế là xảy ra chuyện. Còn với người dân ta rượu, bia trong các dịp lễ tết dường như trở thành 1 phần không thể thiếu, người ta uống văn hóa, cầm chừng con đỡ đây lại ép nhau mà uống. Muốn hết cảnh đánh nhau thì phải giảm tình trạng bia rượu trước đã’.

(Bạn đọc Lê Văn Hiếu, Cầu Giấy, Hà Nội)

Phạt thôi liệu có đủ răn đe?

“Theo tôi được biết hiện mức xử phạt hành chính của của hành động gây gổ đánh nhau là từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy theo mức độ và nếu như gây thương tích nặng để lại hậu quả nặng nề thì có thể bị phạt tù. Như vậy trên luật định đã có đề ra những hình phạt thích đáng với những ai gây rối. Thế nhưng theo như tôi thấy những người đã đánh nhau 1 lần thì việc đánh nhau lần thứ 2 không phải là cái gì khó tưởng tượng. Tại sao người vi phạm lần đầu lại giống như người đi đánh nhau, gây rối từ 2 lần trở lên? Chúng ta cần phải có 1 biện pháp mạnh tay hơn, cần phải có những sự theo dõi sát sao với các đối tượng thường có biểu hiện gây rối chứ không chỉ dừng lại ở việc anh vi phạm 1 lần thì bị xử lý 1 lần và những lần sau anh lại tái phạm và dừng lại ở mức xử lý đó”.

(Bạn đọc Nguyễn Phi Thường, Biên Hòa, Đồng Nai)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem