Quay cuồng “bão” vàng ở A Lưới

Thứ năm, ngày 05/04/2012 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông suối, núi rừng, vườn tược tại nhiều địa phương của huyện biên giới A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đã và đang bị băm nát vì nạn khai thác vàng trái phép. “Bão” vàng đang khiến người bản địa và dân vùng khác quay cuồng.
Bình luận 0

Kỳ 1: Vào điểm nóng Hồng Thủy

Xã Hồng Thủy là một trong những điểm nóng khai thác vàng trái phép ở A Lưới. Hàng loạt dòng sông, con suối nơi đây bao đời bình yên nay đã bị đào bới tan hoang để lấy vàng.

img
Con suối Lung Leng bị tàn phá dữ dội vì nạn đào vàng.

Sông suối tan nát

Suối Tân Tưng ở thôn 3, xã Hồng Thủy là một trong những phụ lưu của sông ĐaKrông huyền thoại và là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho lượng lớn dân bản. Nhưng nhiều tháng trở lại đây, không chỉ nước suối đã ô nhiễm mà họ còn đối mặt với những tai họa chực chờ. Một quãng dài của con suối tan nát như vừa bị giội bom, hàng loạt hầm hố chết người xuất hiện cạnh những ụ đất to tướng ở cả trên bờ lẫn dưới lòng suối, dấu vết còn rất mới.

Thấy chúng tôi dò dẫm đi vào suối Tân Tưng, một người dân địa phương gọi theo: “Các chú coi chừng bị sụp hố, không ai cứu kịp mô!”. Lời cảnh báo sa hố quả thực không phải là quá khi dọc con đường mòn liên tiếp xuất hiện những hố nhỏ, thẳng đứng sâu đến hàng chục mét, chỉ cần sơ ý một chút thôi việc mất tích đột ngột không phải là lạ.

Một thầy giáo gầy gò đứng trước cửa một căn phòng của dãy nhà nội trú giáo viên Trường Tiểu học và THCS Hồng Thủy nằm chênh vênh bên bờ suối, cũng nhìn theo chúng tôi với ánh mắt đầy âu lo. Không chỉ lo cho chúng tôi, giáo viên này còn lo cho “số phận” của dãy nhà nội trú mà anh đang tá túc.

Dãy nhà nằm dưới những quả đồi đã bị cày bới, đào khoét nham nhở và nằm trên bờ con suối Tân Tưng nát bét như vừa qua một trận lũ quét dữ dội. Dãy nhà ở của giáo viên bây giờ thực như trứng để đầu đẳng vậy.

Không chỉ suối Tân Tưng, suối Lung Leng chạy giữa thôn 4, thôn 5 cũng đã bị băm nát bởi tình trạng khai thác vàng trái phép. Gặp các cháu học sinh đi học về, các cháu bảo: “Cả trăm người cùng đào vàng, người nơi khác đông hơn người trong xã”.

Tàn sát hai dòng suối không chỉ có sức người mà còn cả sức máy. Theo người dân sống hai bên bờ suối, cách đây chưa lâu, mỗi ngày có 4-5 máy xúc, máy đãi vàng của các doanh nghiệp “bí hiểm” hoạt động điên cuồng suốt ngày đêm dọc con suối. Thấy doanh nghiệp đào vàng, người dân cũng xuống suối tìm vận may nhưng lập tức bị người của doanh nghiệp ngăn cản, họ bảo: Xã đã cho họ được quyền khai thác vàng trên suối.

Phóng viên bị theo dõi!

Dẫn chúng tôi ra khoảnh đất rộng 2,5 sào gia đình dùng để cấy lúa và thả cá nằm bên bờ suối Lung Leng đã bị biến thành những hầm hố nguy hiểm, anh Hồ Văn Nhạt ở thôn 5, nói trong lo lắng: “Mất hết đất sản xuất rồi”.

Anh Nhạt kể, cách đây khoảng 2 tháng, người của doanh nghiệp đào vàng về đưa cho gia đình anh 3 triệu đồng rồi xông vào khai thác vàng trên thửa đất của gia đình. Anh Nhạt không đồng tình thì những đối tượng này lừa rằng sau khi lấy vàng xong sẽ đào giúp gia đình một cái ao lớn để thả cá.

Dọc sông ĐaKrông bây giờ còn có cả người dân tỉnh bạn sang “hỗ trợ” tìm vàng. Hồ Văn Chanh - một “vàng tặc” đến từ xã A Bung, huyện ĐaKrông (Quảng Trị), cho biết: “Thấy nhiều người đào vàng nên anh và người thân cũng sang đây để tìm vận may”.

Nhưng sau khi lấy hết vàng trên thửa đất, những đối tượng đào vàng nuốt luôn lời hứa đào ao. “Lúc đó, gia đình tui báo cáo với xã nhưng xã bảo mình cho khai thác vàng rồi thì phải chịu”- anh Nhạt kể.

Gia đình anh Hồ Văn Lan cạnh đó cũng bị doanh nghiệp khai thác vàng lừa bằng chiêu bài tương tự. Hậu quả gia đình anh Lan đã mất 3 sào ruộng, ao cũng có được “đào giúp” nhưng… không thể sử dụng nuôi cá! Theo người dân thôn 5, đã có ít nhất 6 hộ dân trong thôn bị vàng tặc “dụ vào tròng” dẫn đến mất đất sản xuất.

Để tìm câu trả lời của chính quyền địa phương trước vấn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn, chúng tôi đã đến, trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo để đăng ký làm việc với lãnh đạo xã Hồng Thủy. Khi đến, từ bí thư, chủ tịch cho đến phó chủ tịch xã này đều có mặt ở trụ sở, chúng tôi được nhã nhặn đề nghị ngồi chờ, “lãnh đạo đang rất bận”.

Đến 10 giờ 30 phút sáng thì các lãnh đạo đột nhiên không còn ở ủy ban nữa và cũng… hết giờ. Mãi đến giữa trưa, khi các phóng viên đang ngồi giải lao ở một quán nước ven đường thì ông Hồ Bá Bình- Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy tìm đến và cho biết ông vừa… đi họp ở huyện về.

Không gặp được cán bộ thì gặp dân vậy. Chúng tôi đi gặp dân, có điều giữa trưa nắng mà luôn có đến 4 cán bộ xã đi trước, đi sau. Một số người dân sau khi trả lời phỏng vấn của phóng viên liền bị những “vệ tinh” này gọi lại “nói nhỏ”.

Khi gặp được ông Chủ tịch xã Hồ Bá Bình, nghe ông giải thích: Xã biên giới, chúng tôi là người lạ nên cần phải theo dõi để… bảo đảm an ninh(!?). Giá như hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép tại những sông, suối cách trụ sở xã chỉ mấy trăm mét trong thời gian qua cũng được “chăm sóc” kỹ càng như chúng tôi đã từng được.

Kỳ 2: Bới vườn tìm vàng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem