Vào điểm Trường Tiểu học Trà Na (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) phải đi qua hàng loạt con dốc dựng đứng đầy hiểm trở. Sau gần 2 giờ lội qua những con suối, leo lên những đồi đá, chúng tôi cũng đến được điểm trường.
Thấy trò, khó khăn tan biến
Nói điểm trường chứ thực ra ở đây chỉ có 2 phòng học tạm, mỗi phòng rộng khoảng 50 m2 được người dân dùng những tấm phên tre nứa ép lại làm vách, phía trên lợp những tấm tôn gỉ sắt. Cạnh điểm trường, một túp lều ọp ẹp là nhà “công vụ” cho các giáo viên ở đây.
Cô giáo Phạm Thị Tuyết Nhung đang đứng lớp tại điểm Trường Tiểu học Trà Na, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC
Thầy Đặng Công Nông, giáo viên của trường, cho biết điểm trường có 4 lớp học với gần 50 học sinh, toàn bộ là người dân tộc Cor sinh sống chung quanh dãy Eo Chim. “Giáo viên khi vô điểm trường này ở lại cả tháng trời mới về quê một lần. Nhiều đêm nhớ vợ, nhớ con đến rơi nước mắt” - thầy Nông tâm sự.
Theo cô Phạm Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Trà Na, những giáo viên dạy miền núi đã khổ cực nhưng chứng kiến các em học sinh ở đây còn khổ cực hơn thì bao nỗi nhọc nhằn tan biến hết. Đã ngoài 25 tuổi nhưng nhắc đến chuyện lập gia đình, cô Nhung lắc đầu: “Nghề của tụi em thế này, chuyện không chồng cũng bình thường. Mỗi ngày đến trường, nhìn học sinh được ăn no, mặc ấm, biết đọc, biết viết là ấm lòng rồi...”.
Không chỉ cô Nhung, riêng ở điểm trường Trà Na có 2 giáo viên nữ khác chưa lập gia đình dù tuổi đời không còn trẻ.
Trụ lại với nghề
Đến được Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) phải đi bộ cả ngày trời. Ở ngôi trường này, phòng học chỉ là những miếng ván ghép lại từ tranh tre nứa lá. Nơi ở của giáo viên cũng không khá gì hơn, chỗ nấu ăn cứ mưa là dột nhưng thầy Nguyễn Hồng Hiệp đã quyết bám trụ.
100% học sinh ở đây là người H’Mông, đi học thiếu đủ thứ: từ quần áo, đồ dùng học tập, sách vở, giày dép đến cơm ăn. Học trò thiếu thốn như vậy, giáo viên cũng không khá gì hơn khi không điện, không nước... Thậm chí, muốn có sóng điện thoại gọi về nhà, các giáo viên phải leo lên ngọn đồi cách đó 3 km để hứng sóng. “Cứ nghĩ đến việc học trò cần mình thì mọi nỗi nhớ nhà, sự thiếu thốn cả về tiền bạc và tình cảm gia đình đều tan biến hết” - thầy Hiệp chia sẻ.
Sống trong ngôi trường nằm chênh vênh giữa núi rừng, lớp học của cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi; giáo viên mầm non ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cách ly với các điểm trường lẻ khác 5 km. Muốn mua sắm, cô Huyền phải đi xa 20 km. Mùa mưa, cô và trò thường xuyên phải nhịn đói vì không thể ra đường lấy lương thực. Mùa khô, thiếu nước ngọt, cô Huyền phải phát cho mỗi học sinh một chai 1,5 lít để các em mang nước từ nhà đến lớp. Nhưng khó khăn lớn nhất mà cô giáo trẻ này phải chịu là những thiếu thốn về tinh thần, đặc biệt phải xa con.
Nghị lực đâu để vượt qua những khó khăn ấy?, cô Huyền bộc bạch: “Bọn trẻ khổ như thế này mà giáo viên không kiên trì bám trụ thì có lỗi với các em. Có những nghề chỉ là kế sinh nhai nhưng tất cả sẽ thay đổi khi con người có tình yêu và nhiệt huyết”…
Lan Anh - Tử Trực (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.