Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2.1.2013 và kết thúc vào ngày 31.3.2013.
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này.
Các hình thức lấy ý kiến nhân dân gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ htttp://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia góp ý xây dựng bản Hiến pháp, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Quốc hội yêu cầu việc lấy ý kiến nhân dân phải được các cơ quan Nhà nước các cấp, tổ chức Trung ương, tổ chức chính trị- xã hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí... tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hồ Thường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.