Quốc hội lo lắng kinh phí tổ chức Asiad 18 – 2019: Vô thế?

Thứ năm, ngày 27/03/2014 12:46 PM (GMT+7)
Hình ảnh cô Lý Nhã Kỳ cùng bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vui mừng rơi nước mắt tại Macau, khi UAE bỏ cuộc trong việc chạy đua đăng cai Asiad 18, giúp Việt Nam thắng cuộc hoá ra lại là nỗi lo của nhiều người.
Bình luận 0
Trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 18 – 2019, phía bộ Văn hoá – thể thao và du lịch mà người đứng đầu là bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng “cánh tay mặt”, một người đã về hưu đang giữ chức danh phó chủ tịch uỷ ban Olympic quốc gia (VOC) đã thuyết phục Chính phủ thành công rằng, mức chi phí mà Việt Nam phải bỏ ra để “nâng cao vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế” chỉ vào khoảng 150 triệu USD.

Hàng loạt công trình như sân bóng chày, nơi đua thuyền hay nhà thi đấu bóng chuyền bãi biển bị bỏ phế sau khi kết thúc Olympic Bắc Kinh khiến nhiều người lo lắng vì, ở ta cũng chẳng thiếu. Ảnh: Reuters
Hàng loạt công trình như sân bóng chày, nơi đua thuyền hay nhà thi đấu bóng chuyền bãi biển bị bỏ phế sau khi kết thúc Olympic Bắc Kinh khiến nhiều người lo lắng vì, ở ta cũng chẳng thiếu. Ảnh: Reuters

Mức chi phí ấy, thoạt nghe tưởng đã lớn vì hơn 3.000 tỉ đồng chứ ít gì. Thế nhưng, chính nguyên vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao thuộc uỷ ban Thể dục thể thao, ông Nguyễn Hồng Minh đã thốt lên: “Tổ chức Asiad với 150 triệu USD là không tưởng”.

Ông Nguyễn Hồng Minh nói như thế bởi lẽ, nhìn ở các kỳ tổ chức trước, kinh phí tổ chức của các quốc gia khác đều “chới với”. Điển hình như Asiad 17 tổ chức ở Trung Quốc mức kinh phí dự tính ban đầu là 2 tỉ USD nhưng số tiền thật mà họ phải bỏ ra lên đến 20 tỉ USD, gấp mười lần so với dự tính.

>> Xem thêm: Nhận trước tính sau

Mới hơn, Asiad 2014 được tổ chức tại Incheon – Hàn Quốc, ban đầu dự tính chỉ là hơn 1 tỉ USD nhưng cách đây hai năm, số tiền đầu tư đã vượt trên 110% và theo ông Minh, chắc chắn khi sự kiện diễn ra trong năm nay số tiền đội giá không thể dưới 200%.

Kết luận việc này, ông Minh chỉ có nói ngắn: “Cùng một sự kiện với tiêu chuẩn chung, người ta tốn gấp năm bảy lần, thậm chí mười lần mức ấy, chẳng lẽ nào Việt Nam lại “siêu” như thế”.

Tuy nhiên, ông Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch VOC, lại lý giải: “150 triệu USD là số tiền xin từ ngân sách trực tiếp rót vào hoạt động này. Còn nhiều công trình khác thuộc về xây dựng cơ sở hạ tầng thì ăn theo chủ trương của Chính phủ”. Các công trình xây mới như đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên… sẽ xã hội hoá. Ví dụ, phía Hàn Quốc sẽ tài trợ xây dựng nơi đua xe đạp lòng chảo với kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng, làng vận động viên với hơn 2.000 chỗ ở sau khi kết thúc sẽ chuyển công năng thành nhà ở để bán…

Bài tính mà phía những người làm thể thao đưa ra rất đẹp, nhưng có vẻ đó chỉ là cách đếm cua trong lỗ. Bởi việc xây dựng trường đua xe đạp lòng chảo, phía Việt Nam góp đất, phía Hàn Quốc tài trợ 500 triệu USD với yêu cầu bắt buộc là phải cho họ tổ chức cá cược bóng đá tại Việt Nam và hưởng ưu đãi về thuế ở mức cao nhất. Nghĩa là, nếu Việt Nam vẫn chưa cho phép cá cược, thì Hàn Quốc sẽ không bỏ tiền. Ta phải bỏ tiền. Tương tự như vậy, các đại biểu quốc hội đặt ra tính khả thi của việc biến nơi ở vận động viên thành bất động sản để bán, khi mà ở Hà Nội còn hàng loạt dự án trùm mền.

>> Xem thêm: Việt Nam đăng cai ASIAD 2019: Lo tiền, lo cả lực lượng

Đó là chưa kể những bài toán màu hồng như tài trợ, du khách đều được tính toán khá “cơ bắp” theo kiểu thể thao bởi, các nhãn hàng lớn đa phần đã ký hợp đồng với uỷ ban Olympic quốc tế (IOC), uỷ ban Olympic châu Á (OCA), Việt Nam không thể thu tiền từ đây. Bán hàng lưu niệm, dịch vụ từ du khách, tìm các nhà tài trợ nhỏ liệu được bao nhiêu. Cách đây năm năm, Việt Nam bỏ hơn 100 triệu USD để tổ chức Asian Indoor Games, nhưng thu lại từ quảng cáo chỉ khoảng 30 triệu đồng, nghĩa là chỉ chiếm 0,0015% số tiền bỏ ra.

Hàng loạt câu hỏi về tính khả thi, thậm chí là việc sử dụng các công trình này sau khi đại hội kết thúc, nhất là đã có bài học nhãn tiền, nhà thi đấu tại Thái Bình sau SEA Games chẳng biết làm gì đã cho cả voi vào làm xiếc… đã được đưa ra. Thậm chí đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, uỷ viên thường trực uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, nêu quan điểm, “thà xin rút lui dù bị phạt mất tiền cọc 1 triệu USD còn hơn là lãng phí”.

Đáp lại các phản ứng từ những đại biểu quốc hội, ông Hoàng Vĩnh Giang cho hay: “OCA đã quy định rằng nước đăng cai không thể đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm hoạ chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất...”

Bài học Hy Lạp vì tổ chức Olympic Athens 2004 mà chi đến 9 tỉ EUR dẫn đến vỡ nợ vì không thu hồi được vẫn còn tươi rói, nhất là khi đến cuối năm 2013, theo tính toán của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nợ công của Việt Nam đã lên 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hoá ra chúng ta đã bị ngành thể thao đưa “vô thế” không thể thoái lui?


Tất Đạt (Thế giới Tiếp thị) (Tất Đạt (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem