Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát: Chưa nghe ý kiến dân

Thứ sáu, ngày 09/11/2012 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản và thực trạng của ngành bảo hiểm y tế sẽ nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2013.
Bình luận 0

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ đưa ra 3 chuyên đề để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lựa chọn là: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012 và chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.

img
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, bổ sung giám sát bảo hiểm xã hội là rất cần thiết.

Trong phiên thảo luận về hoạt động giám sát của Quốc hội sáng 8.11, các ĐB cơ bản đồng tình với 2 chuyên đề 1 và 2 vì cho rằng đây là 2 vấn đề quan trọng, cân đối giữa 2 lĩnh vực kinh tế và xã hội, có sức lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Lê Thanh Hòa (Bắc Ninh)… đề nghị QH kết hợp giám sát bảo hiểm xã hội cùng với bảo hiểm y tế.

Theo ĐB Hà, bảo hiểm xã hội hiện đang bộc lộ nhiều bất cập như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội là thấp; nguy cơ mất cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội hưu trí; việc chậm, trốn tránh nộp Quỹ Bảo hiểm xã hội phổ biến; hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập…

“Đây là vấn đề nhiều tầng lớp xã hội quan tâm, tới đây QH chuẩn bị thông qua Luật Bảo hiểm xã hội nên việc bổ sung giám sát bảo hiểm xã hội là rất cần thiết” - ĐB Hà nói.

Chuyên đề giám sát bảo vệ và phát triển rừng cũng nhận được các ý kiến đồng tình của một số ĐB. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhận định, lâm tặc đang “tấn công” vào những cánh rừng cuối cùng của đất nước như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đời sống nông dân dưới tán rừng vẫn chưa ổn định nên rất cần giám sát.

“Tới đây, các đoàn giám sát phải nghiêm, bớt quan chức bộ ngành mà nên tăng cường các chuyên gia. Nếu chỉ nghe báo cáo rồi vui vẻ ra về là không nên”.

Nhiều ĐB cũng nhìn lại công tác giám sát của QH trong thời gian qua. Sau khi điểm một số điều đã làm được, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã chỉ ra những tồn tại của việc giám sát hiện nay là giám sát “nặng” về nghe báo cáo của bộ ngành, địa phương mà thiếu các báo cáo độc lập.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đánh giá: “Cách giám sát hiện nay là thường chỉ nghe cơ quan quản lý báo cáo; chưa lắng nghe ý kiến của người dân, những người đang khiếu kiện. Tới đây, các đoàn giám sát phải nghiêm, bớt quan chức bộ ngành mà nên tăng cường các chuyên gia. Nếu chỉ nghe báo cáo rồi vui vẻ ra về là không nên”.

ĐB Lịch kiến nghị, cần đổi mới công tác giám sát theo hướng tập trung, có thể bắt đầu từ các vụ việc cụ thể, tránh việc giám sát chung chung như hiện nay. ĐB nói: “Ngoài giám sát chung cần giám sát một vụ việc điển hình. Qua vụ việc này sẽ nhìn nhận được các cái chung. Việc này nên giao cho các Ủy ban của QH thực hiện”.

ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) đề nghị tới đây, QH cần tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân. “Nhiều cơ quan có thực hiện chuyển đơn, trong đó có QH nhưng không biết kết quả sau khi chuyển đơn như thế nào. Tôi thấy như bất lực về vấn đề này, trong khi đây lại là trách nhiệm của ĐB với cử tri” - ĐB Long nói.

Tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,5%

Sáng 8.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với tỷ lệ 91,77% tổng số đại biểu tán thành. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 5,5%; mức lạm phát sẽ phải cố gắng kiềm chế ở mức 8%... Nghị quyết khẳng định, mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh và ổn định xã hội... Về các chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đề ra là 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) – tỷ lệ lạm phát là 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 30% GDP….

Một số chỉ số quan trọng khác cũng được thông qua như tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 16%; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 22 giường.

Nghị quyết cũng khẳng định Chính phủ phải tập trung có trọng điểm vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các bệnh viện tuyến huyện còn dở dang, ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, cùng với đó là mở rộng chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện các chính sách đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi tham nhũng, tập trung giải quyết hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến đất đai....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem