Lý do chưa thí điểm người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND Đà Nẵng

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 19/06/2020 16:02 PM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp. Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, chưa quy định nội dung này trong Nghị quyết.
Bình luận 0

Với 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.

Trước khi biểu quyết, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu ý kiến về tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.

Nghị quyết quy định mỗi Ban của HĐND TP.Đà Nẵng có không quá 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 2).

"Quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi Ban" – ông Tùng nói.

Chưa thí điểm người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND Đà Nẵng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (ảnh: quochoi.vn)

Trước ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND, UBTVQH cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp. Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, chưa quy định nội dung này trong Nghị quyết.

Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND TP trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND đề nghị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Chưa thí điểm người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND Đà Nẵng - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết.

Nghị quyết của Quốc hội cũng đồng ý trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị TP.Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP.Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TP.Đà Nẵng để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

TP.Đà Nẵng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP.Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Ngoài ra, HĐND TP.Đà Nẵng quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố về: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Ngân sách Đà Nẵng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.Đà Nẵng.

Nghị quyết nêu rõ: "Chậm nhất là quý IV năm 2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại TP.Đà Nẵng trình UBTVQH và Quốc hội xem xét, quyết định".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem