Tại hội nghị, 7 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và doanh nghiệp đã có những cam kết hỗ trợ ban đầu cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn này với tổng trị giá 1,1 triệu USD (24 tỷ đồng), cho các chương trình cung cấp nước sạch, lương thực và dinh dưỡng.
Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) bên ruộng lúa cháy khô vì hạn, mặn. Ảnh: Bùi Chiên
Về hỗ trợ dài hạn, 22 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thông qua thỏa thuận khung ký với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, cam kết triển khai 30 chương trình, dự án trong 3 năm (2016-2019) tại 13 tỉnh bị thiệt hại với tổng ngân sách là 12,3 triệu USD (tương đương khoảng 274 tỷ đồng). Trong nỗ lực ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) đã phối hợp với Nhóm công tác về quản lý thảm họa (DMWG) và một số tổ chức quốc tế đã thực hiện đánh giá nhanh nhu cầu thực địa tại 6 tỉnh bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị, các bên liên quan đã cung cấp những kết quả đánh giá về tình hình thiệt hại, nhu cầu, những giải pháp của chính quyền và các khuyến nghị để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác và cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia và các bên liên quan xem xét hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, hội nghị cũng chia sẻ, hướng dẫn cách thức triển khai các hoạt động để đảm bảo các nguồn hỗ trợ được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Việt Nam đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế, an ninh lương thực và nguồn nước của gần 1,8 triệu người, trong đó có 455.000 trẻ em, tại tất cả các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng ngàn ha lúa và hoa màu đã bị mất trắng, nhiều gia đình chịu cảnh thiếu nước sạch (nước uống và nước sinh hoạt). Người dân đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.