Quỹ dành cho nghệ sĩ khó khăn: Tại sao không?

Chủ nhật, ngày 01/02/2015 08:55 AM (GMT+7)
Không phải đợi đến lúc nghệ sĩ rớt nước mắt, dẹp bỏ cái “sĩ” của mình để công khai hoàn cảnh khó khăn rơi vào bi kịch thì mọi người mới biết họ khổ thế nào, nghèo ra sao… Và có thể nào không để xảy ra chuyện “nước đến chân mới nhảy”, mà đôi khi “nhảy” không kịp vì sự chậm trễ.
Bình luận 0

img

Cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

    Câu chuyện nghệ sĩ tuồng Hán Văn Tình chỉ vì quá khó khăn không thể kham nổi chi phí trị bệnh nan y, chấp nhận đối diện với tình huống xấu nhất đã như một giọt nước tràn ly để thấy một hiện thực có thật trong giới nghệ sĩ VN: Có nhiều bi kịch cuộc sống mà chỉ đến khi rơi vào “bước đường cùng” thì mọi người mới biết. Trước đó đã có một nghệ sĩ Văn Hiệp và nhiều nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc khác… mà khi biết thì xem như đã muộn. Giá như, có sự quan tâm nhiều hơn của mọi người, từ đồng nghiệp, hội nghề nghiệp đến cơ quan quản lý- Nhà nước đến đời sống của các nghệ sĩ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

    Ở TPHCM có một mô hình mà hiện tại nó vẫn là duy nhất, đó là hoạt động của Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM, một tổ chức xã hội từ thiện độc đáo cho các nghệ sĩ nghèo chỉ có ở VN và TPHCM, nhiều nơi trên thế giới từng tới tìm hiểu học hỏi. Hội ra đời tại Sài Gòn năm 1946 nhằm quy tụ giới sân khấu và các nhà báo, nhà phê bình sân khấu. Những người sáng lập có Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu…, Ban hoạt động độc lập, tới năm 1981, khi Hội Sân khấu TPHCM thành lập, thì trở thành một ban của Hội Sân khấu. Ban là nơi sinh hoạt của anh em làm nghề không kể tuổi tác, hội viên hay không, nghệ sĩ tên tuổi tới hậu đài. Tính đến nay (2014), tổng cộng Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM có hơn 9.000 hội viên. Ngoài ra ở TPHCM còn có một Quỹ Vòng tay nghệ sĩ và ngôi chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp) dành giúp đỡ các nghệ sĩ khó khăn để họ sống và làm nghề, hay chữa bệnh, hay có chỗ trú, nương tựa nhau khi không nhà không cửa…

    Vậy thì tại sao không nhân rộng mô hình này ở cả trong Nam ngoài Bắc, để các nghệ sĩ có một cái quỹ dành giúp đỡ hỗ trợ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, để có một chu cấp thường xuyên góp thêm vào cuộc sống của họ cho đỡ vất vả, nhất là khi bệnh tật ốm đau…? Chứ đợi đến khi họ đã lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng mới hô hào đóng góp, e là quá muộn.

    Nghệ sĩ là những người mang đến niềm vui cho cuộc sống cộng đồng, họ đã cống hiến như một con tằm rút ruột nhả tơ để góp phần vào nền văn hóa nghệ thuật đất nước, họ có quyền và xứng đáng được hưởng những ưu đãi…, nhưng xem ra, họ vẫn là những người thiệt thòi nhất.

    Tại sao không kêu gọi mọi người chung tay lập những quỹ hỗ trợ giúp đỡ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn một khi chưa muộn? 

    (Theo Lao Động)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem