Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico.
Ông có bình luận gì về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế?
- Đây là một quy định cũ, đã có từ lâu. Quy định này đã được thể hiện trong luật, cụ thể hóa trong thông tư liên tịch giữa NHTM và Bộ Tài chính. Theo đó, từ chi cục thuế địa phương trở lên đã có đủ thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng.
Đây là một quy định đúng và hợp lý. Bởi chức năng quan trọng nhất của cơ quan quản lý thuế là thu thuế và chống trốn thuế. Về nguyên tắc chung, tất cả các cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, gian lận.
Tuy nhiên, trường hợp cơ quan thuế hay một tổ chức, cá nhân muốn tra cứu thông tin tài khoản, thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm, hồ sơ thế chấp sẽ phải trả phí.
Ngoài ra, cần quy định như thế nào để bảo đảm quyền lợi giữa các bên. Đặc biệt, tránh để người dân lo ngại, nhầm lẫn việc bị lộ bí mật khi ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Ông có lo ngại quy định như vậy sẽ gây khó cho ngân hàng bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng?
- Từ trước tới nay, không chỉ riêng cơ quan thuế, có rất nhiều đơn vị được phép yêu cầu TCTD cung cấp thông tin như công an, cơ quan thi hành án, thẩm phán, cơ quan thanh tra - giám sát của NHNN...
Bản thân các cơ quan này phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin khách hàng. Giờ chúng ta phải xây dựng quy định sao cho hạn chế tỷ lệ rò rỉ thông tin. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của một vài hoặc vài chục trường hợp trong một số thời điểm sẽ không thể dẫn tới rò rỉ dữ liệu, thông tin chung.
Ngân hàng phải thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, thậm chí chịu chế tài trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác nhưng lại không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào.
Như vậy dự thảo Luật Quản lý thuế nên nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin để tránh dẫn tới lạm quyền, áp dụng tùy tiện trong thực tế?
- Cơ quan thuế có thể yêu cầu cung cấp số dư tài khoản tính đến ngày nào, giờ nào. Còn chuyện cung cấp thông tin giao dịch nên đưa vào trường hợp đặc biệt.
Chỉ trừ các trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc của ngành thuế, hải quan, cơ quan thuế mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết, theo kiểu khấu trừ tiền trong tài khoản, phong tỏa tài khoản nhằm đạt được mục tiêu thu thuế…
Hiện tại, đối với công an, từ thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch. Nhưng phải kèm theo lý giải hồ sơ ra sao, đã khởi tố bị can, khởi tố vụ án chưa?
- Ngành thuế cũng nên đưa ra những yêu cầu cụ thể như vậy, tránh lạm quyền.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.