Quy định "lấy ý kiến cư dân bằng văn bản": Nhìn từ sự thiếu minh bạch của BQT Hapulico

Trần Kháng Thứ ba, ngày 13/08/2019 06:30 AM (GMT+7)
Ban quản trị (BQT) được thành lập bằng hình thức “lấy ý kiến cư dân bằng văn bản” tại chung cư Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” và gây nhiều mâu thuẫn, bức xúc với cư dân. Liệu việc Bộ Xây dựng đưa quy định "lấy ý kiến cư dân bằng văn bản" vào dự thảo Thông tư Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư có tiếp tăng thêm mâu thẫu giữa chủ đầu tư và cư dân?
Bình luận 0

Việc đưa quy định “lấy ý kiến cư dân bằng văn bản” vào Dự thảo Thông tư Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (dự thảo) của Bộ Xây dựng đang được dư luận đặt ra câu hỏi về tính khả quan. Nhiều cư dân cho rằng, nếu Bộ xây dựng cho các chủ đầu tư thêm quyền thì sẽ càng thêm mâu thuẫn với cư dân.

Theo dự thảo, đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% (quy định hiện hành là phải có trên 75%) đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Nhà ở.

Việc lấy ý kiến phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến. Hội nghị nhà chung cư tổng hợp kết quả tại cuộc họp với việc lấy ý kiến của những người không dự họp và lập thành biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định tại khoản 5 Điều này…

Nội dung dự thảo lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị bằng văn bản đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, một số chuyên gia, luật sư nhận định việc lấy ý kiến bằng văn bản phần nào cũng giải quyết được việc khó khăn khi Hội nghị nhà chung cư liên tục không tập trung đủ cư dân tham gia. Tuy nhiên, nếu việc lấy ý kiến bằng văn bản không được công khai, minh bạch sẽ rất dễ gây tới mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân và BQT, chủ đầu tư bùng nổ.

img

Mâu thuẫn giữa cư dân và BQT, chủ đầu tư tại chung cư Hapulico không được giải quyết triệt để.

Trước đó, BQT chung cư Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư BĐS Hapulico (Công ty Hapulico) làm chủ đầu tư đã được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ bằng văn bản” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định công nhận vào ngày 17/7/2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi BQT được thành lập và vận hành, nhiều cư dân Hapulico đã phản đối bằng cách gửi đơn, kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng quận Thanh Xuân bởi lý do nhiều thành viên Ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đại diện cho cư dân. Trưởng Ban quản trị chung cư Hapulico, ông Hoàng Tuấn Việt, là cán bộ Công ty Hapulico, ông Việt cũng không sinh sống tại khu chưng cư này.

Sau kiến nghị của cư dân, nhiều đơn vị chức năng cũng chỉ ra, việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu và thành lập BQT cụm chung cư Hapulico qua hình thức lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ không có trong quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, BQT được thành lập trái luật vẫn hoạt động. Nhiều bức xúc của cư dân chưa được giải quyết.

Anh Tô Nhật Tân, cư dân sống tại toà nhà 17T4 chung cư Hapulico, chia sẻ ưu điểm hình thức lấy ý kiến cư dân bằng văn bản là thuận tiện hơn cho việc tổ chức hội nghị chung cư trong trường hợp mọi người không tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, hình thức trên có nhược điểm là các câu hỏi lấy ý kiến thường mang tính chất định hướng quá cao và khó kiểm soát được tính minh bạch trong vấn đề kiểm phiếu.

“Hiện tại, việc lấy ý kiến, tham khảo ý kiến của cư dân tại khu chung cư Hapulico đang mang tính hình thức quá cao. Các vấn đề được nêu ra lấy ý kiến không có sự thảo luận, trao đổi… nhưng luôn có tỷ lệ thông qua cao. Cư dân không kiểm tra được quá trình kiểm phiếu và luôn đặt nghi vấn thiếu tính minh bạch trong quá trình này”, anh Tân nói.

Anh Phạm Xuân Huy, một cư dân khác đang sống tại chung cư Hapulico, cũng cho biết do trưởng BQT là cán bộ của Công ty Hapulico lên các vấn đề liên quan tới quản lý, vận hành toà nhà cũng chưa minh bạch, quyền lợi của cư dân không được đảm bảo. “Chủ đầu tư vẫn không nộp quỹ bảo trì và phí quản lý phần diện tích giữ lại”, anh Huy bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem