Quy định về tội danh nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị khởi tố

Quang Trung Thứ hai, ngày 13/02/2023 19:57 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Thái - nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vậy tội danh này được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự.
Bình luận 0

Bắt nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ngày 13/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bắt bị can để tạm giam đối với các bị can Nguyễn Đức Thái (SN 1962, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và một cán bộ dưới quyền về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Quy định về tội danh nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị khởi tố - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Đức Thái - nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (trái) cùng 3 bị can. Ảnh: Bộ Công an.

Hai bị can khác gồm một cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và lãnh đạo một công ty giấy bị khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cùng ngày, Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi làm việc, nơi ở của các bị can.

Kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với ba bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Tội danh có mức phạt cao nhất là 15 năm tù

Bình luận về tội danh ông Nguyễn Đức Thái bị khởi tố, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Hành vi khách quan của tội này là người phạm tội phải là người có hành vi dựa vào chức vụ, quyền hạn của mình. 

Từ đó, sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra.

Theo bà Thơ, hậu quả của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 

Nếu hành vi chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

Người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý, họ nhận thức được rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng mong muốn hậu quả xảy ra.

Không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.

Về hình phạt, theo vị luật gia, Điều 356 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Còn phạm tội mà gây thiệt hại tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Như vậy, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà ông Nguyễn Đức Thái có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem