Đó là lời tâm sự chân thành của Nhà báo Nguyễn Phương Vũ - con trai cố nhà văn Tô Hoài. Dành trọn tâm huyết, ông đã duy trì Quỹ nhà văn Tô Hoài suốt 10 năm qua. Trong hành trình thiện nguyện có hạnh phúc nhưng cũng không kém phần gian nan, ông đã đặt chân đến 23 tỉnh thành, tổ chức thành công các chương trình thiện nguyện ở 36 địa điểm, mang văn hóa đọc đến nhiều điểm trường vùng sâu vùng xa.
Quỹ nhà văn Tô Hoài - tâm nguyện trước khi mất của cố nhà văn Tô Hoài
Trong một chiều đầy nắng tại Nghệ An, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Nhà báo Nguyễn Phương Vũ ngay sau khi ông kết thúc chương trình thiện nguyện tại Trường Tiểu học Châu Thắng. Ông giản dị, chân thành và không chút khoảng cách. Với sự gần gũi ấy, thật khó để nghĩ, đây là con trai của một cây bút vĩ đại trong nền văn học Việt Nam - Cố nhà văn Tô Hoài.
Với chất giọng trầm ấm, nhà báo Phương Vũ đưa chúng tôi đến với hành trình 10 năm đầy hạnh phúc nhưng cũng không ít gian truân để duy trì Quỹ nhà văn Tô Hoài:
“Cả cuộc đời, bố tôi luôn trăn trở làm sao để có thể mang văn hoá đọc đến học sinh vùng sâu vùng xa. Ông muốn tôi đi hết 63 tỉnh thành của cả nước, đến những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngay trước khi ông mất, đây vẫn là điều khiến ông để tâm và nói lại với tôi. Chính vì thế, tôi đã thành lập Quỹ nhà văn Tô Hoài và tiếp nối những tâm huyết của ông".
Hành trình 10 năm duy trì quỹ đối với nhà báo Phương Vũ là khoảng thời gian đủ dài để ông trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Từ những ngày đầu thành lập quỹ, ông đã xác định đây là quỹ của gia đình, không kêu gọi quyên góp tiền mặt. Chính vì thế, những áp lực về tài chính để duy trì quỹ trong 10 năm qua là gánh nặng không hề nhẹ trên vai ông.
“Quỹ nhà văn Tô Hoài được góp từ các thành viên trong gia đình và tiền bản quyền sách của nhà văn Tô Hoài. Tôi duy trì mỗi năm tổ chức đều đặn 3 chương trình thiện nguyện. Có những lúc tiền mặt trong quỹ cạn kiệt không còn đồng nào, tôi đi vay để thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch. Bản thân tôi có lúc còn đi bán hoa để có thêm tiền góp vào quỹ" - Nhà báo Phương Vũ bộc bạch.
Đồng hành cùng Quỹ nhà văn Tô Hoài trong sự kiện lần này chủ yếu là người thân, anh em, bạn bè của nhà báo Nguyễn Phương Vũ. Tất cả đều nhanh chóng sắp xếp, chuẩn bị để chương trình được tổ chức kịp thời.
10 năm qua, có những lúc Nhà báo Phương Vũ đã tự nhủ bản thân có nên tiếp tục gồng gánh như thế, liệu rằng có thể đến với bà con chỉ với tình cảm chân thành,... thế nhưng sau tất cả, ông vẫn cố gắng để có thể mang những "Phòng đọc sách Dế Mèn", những món quà cho học sinh, mẹ Việt Nam anh hùng và cả những ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền đất nước.
“Động lực của tôi không chỉ là khoảnh khắc thấy được niềm hạnh phúc của đồng bào khi nhận được những chia sẻ, những yêu thương. Mà còn là sự ủng hộ của anh em, bạn bè tôi trong hành trình vừa qua. Họ ủng hộ tôi về tinh thần, về sức lực. Vì biết quỹ sẽ không nhận tiền mặt, nên anh em bạn bè đã chủ động mua sản phẩm để đóng góp vào các chương trình mà tôi thực hiện" - Nhà văn Phương Vũ chia sẻ.
Ước tính trong vòng 10 năm qua, 17 tỷ là tổng giá trị các chương trình Quỹ nhà văn Tô Hoài đã thực hiện.
Đôi chân không biết mỏi
Trong ánh mắt của Nhà báo Phương Vũ, có sự quyết tâm, sự yêu thương trăn trở to lớn dành cho trẻ em nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa. Càng đi, ông lại càng quyết tâm phải thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện hơn nữa. Không chỉ dành trọn tâm huyết, thời gian, tiền bạc, nhà báo Phương Vũ còn không tiếc cả sức khoẻ của bản thân.
“Ở tuổi này, sức khoẻ của tôi cũng không còn được như thời còn trẻ. Mặc dù biết mong muốn tôi đặt chân đến 63 tỉnh thành của bố là điều rất khó, nhưng đôi chân tôi còn đi được ngày nào, tôi sẽ tiếp tục đi ngày ấy" - Nhà báo Phương Vũ bày tỏ.
Kỹ tính trong việc lựa chọn những địa điểm để làm chương trình thiện nguyện, chính vì thế, những nơi ông đặt chân đến thường là những nơi đặc biệt khó khăn. Thậm chí nhiều nơi có cung đường di chuyển rất nguy hiểm vì không thường xuyên có người lui tới. Bà Hoàng Thị Ngọc Hải (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) - một trong những người bạn đồng hành cùng Nhà báo Phương Vũ từ những ngày đầu thành lập quỹ tâm sự:
“Anh Vũ là một người có tâm, chu đáo trong mọi việc. Tôi đặc biệt nhớ mãi chương trình thiện nguyện đã được tham gia cùng anh ở Yên Bái. Đường đi vào điểm trường rất khó khăn, chúng tôi có đoạn phải đi xe máy, thậm chí đi bộ. Anh Vũ luôn quan tâm và động viên chúng tôi để có thể hoàn thành hành trình khó khăn đó. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã vào được điểm trường, dù đã mệt nhưng tất cả đều rất vui vì hoàn thành được chương trình tốt đẹp".
Nhà báo Phương Vũ nhớ lại, có những nơi ông đến hẻo lánh đến độ cán bộ địa phương cũng không thể đến thường xuyên. Thậm chí có những lúc phải quay đầu vì đoạn đường quá nguy hiểm và đoàn không thể tiếp tục di chuyển.
“Lý do thành lập Quỹ nhà văn Tô Hoài vì tôi đồng cảm, hiểu được nguyện vọng của cha tôi. Nhưng khi trực tiếp đi, trực tiếp nhìn, trực tiếp cảm nhận, giờ đây nó thật sự đã trở thành nguyện vọng và điều mà chính bản thân tôi tâm huyết” - Nhà báo Phương Vũ khẳng định.
Tiếp tục viết lên những hành trình mới
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ nhà văn Tô Hoài, nhà báo Phương Vũ đã chọn Trường Tiểu học Châu Thắng - một nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt vào ngày 27/9 vừa qua là địa điểm tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ - niềm tin". Tại đây, vẫn còn những chồng sách cũ đã bị ngâm trong bùn, không thể sử dụng.
Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thắng chia sẻ: “Trường có tổng cộng 314 học sinh, trong đó 41,12% các em thuộc hộ nghèo. Có 40 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha mẹ), các em thiếu thốn, thiệt thòi đủ bề. Trong đợt lũ lụt vừa qua, rất nhiều tài sản của trường bị hư hại vì nước lũ dâng cao đến cửa sổ. Chính vì thế chuyến thăm lần này của Quỹ nhà văn Tô Hoài có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi".
Thấu hiểu được những khó khăn đó, Nhà báo Phương Vũ quyết tâm góp sức, sẻ chia những khó khăn với thầy cô và học sinh. Trong không khí rộn ràng như một ngày hội lớn, hàng nghìn phần quà đã được trao đến tận tay học sinh, thầy cô và những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn. Tổng giá trị chương trình lên đến 200.000.000 đồng.
Hàng nghìn món quà đã được gửi tới quỹ thầy cô, học sinh nhà trường và cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Đặc biệt, Quỹ nhà văn Tô Hoài đã mang “Phòng đọc sách Dế Mèn" đến trường với hàng trăm đầu sách hay, đặc biệt có sự góp mặt của tập truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký".
Hào hứng khám phá từng ngóc ngách của phòng đọc sách mới, ánh mắt Sầm Văn Hoàng (lớp 4b) như sáng lên. Em không giấu được sự tò mò và niềm hạnh phúc: “Trong đây có nhiều sách, truyện mới, con thích lắm. Trước đây trường có phòng đọc sách nhưng không có nhiều sách như vậy”.
Cũng như Hoàng, rất nhiều em học sinh tại trường chưa từng được cầm vào cuốn “Dế Mèn phiêu lưu kí", cũng chưa từng được đọc sách trong một phòng đọc sách khang trang. Đối với các em, những phần quà và đặc biệt là phòng đọc sách ngày hôm nay đều là những điều các em ao ước và trân trọng.
Nhân dịp này, Quỹ nhà văn Tô Hoài cũng đã đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết (97 tuổi, xóm 10, xã Nghi Kim, thành phố Vinh).
"Phòng đọc sách Dế Mèn" trong mơ của các em học sinh tại Trường Tiểu học Châu Thắng.
Nhìn lại hành trình 10 năm hoạt động của Quỹ nhà văn Tô Hoài, Nhà báo Nguyễn Phương Vũ không giấu được niềm xúc động. Đó là một hành trình dài và sẽ tiếp tục được viết thêm những câu chuyện mới, những chuyến đi mới. Ông bày tỏ:
“Đời tôi cũng có chìm, nổi, vui, buồn cảm xúc cung bậc đầy đủ. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản và cố gắng làm những việc tử tế. Nhìn lại hành trình đã qua dù vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi tự hào về những gì mà Quỹ đã làm được. Tôi cũng tin cha tôi đã nhìn thấy những gì mà tôi đã làm. Tôi sẽ tiếp tục duy trì quỹ đến khi nào không còn sức nữa”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.