Lần đầu tiên “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được công bố sáng 25.5, tại Hà Nội. Đây là kết quả phối hợp nghiên cứu, xây dựng của của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Sau khi được công bố, một số ý kiến cho rằng bộ quy tắc khó khả thi vì không có tính pháp lý. Các doanh nghiệp thường không ưu tiên áp dụng quy tắc không mang tính bắt buộc của nhà nước.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Triệu Trung Dũng – Trưởng văn phòng luật sư Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội).
Luật sư Triệu Dũng cho rằng, nếu doanh nghiệp không tự nguyện thực hiện thì Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục không có giá trị áp dụng. Ảnh minh họa: Phương Chi
Chỉ có tác dụng khi doanh nghiệp tự nguyện
Thưa ông, ngày 25.5 vừa qua, lần đầu tiên “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được công bố. Ông nhận xét gì về điều này?
Trước tiên tôi rất ngạc nhiên khi đọc thông tin trên báo chí về việc công bố bộ quy nhưng nội dung của nó thì không tìm được ở đâu, kể cả trang thông tin điện tử của các đơn vị xây dựng.
Còn theo các thông tin trên báo chí thì tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng Bộ quy tắc này khó khả thi vì nó không có tính pháp lý để ràng buộc hoặc bắt buộc phải thực hiện.
Bởi vì, theo báo chí thì Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện nên nếu doanh nghiệp không tự nguyện thì bộ quy tắc không có giá trị áp dụng.
Theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, việc xây dựng và công bố Bộ quy tắc là "một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực tại nơi làm việc”. Theo tôi, đây cũng là sự tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Làm thế nào để Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc khả thi, thưa ông?
Nếu Bộ quy tắc này được ban hành kèm theo Thông tư hoặc Quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; hoặc sắp tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản pháp quy nào đó bắt buộc các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức nói chung, phải đưa Bộ quy tắc này lồng ghép vào Nội quy, quy chế của doanh nghiệp… thì mới có tính khả thi cao.
Các nước tiên tiến xử lý hành vi quấy rối tình dục như thế nào?
Ở Mỹ, quấy rối tình dục bị xem là một dạng của tội kỳ thị giới tính, khoản phạt thường rất cao, có thể lên đến vài trăm triệu USD cộng thêm mức tù giam từ vài tháng tới vài năm.
Tại Pháp, hình phạt thường là một năm tù cộng với khoản phạt 15.000 euro (hơn 400 triệu đồng VN). Mức phạt tại Tây Ban Nha là từ ba tháng đến một năm tù giam.
Khó bắt giữ đối tượng quấy rối tình dục?
Các văn bản pháp luật hiện nay quy định về hành vi quấy rối tình dục như thế nào, thưa ông?
Hiện nay có 2 văn bản pháp luật quy định về hành vi quấy rối tình dục như tại điều 121 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định một phần nhỏ trong hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”.
Văn bản khác nữa là Nghị định của Chính phủ quy định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Ông có nhận xét gì về các văn bản quy định trên?
Theo tôi, điều luật và quy định của Nghị định trên chỉ chung chung chứ không nêu rõ về những hành vi quấy rối tình dục là như thế nào. Tôi kiến nghị Nhà nước cần luật hóa những hành vi trên cụ thể là gì và có quy định xử lý chính xác.
Theo một nghiên cứu do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc làm, khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc bị quấy rối tình dục. Như vậy, làm sao khắc phục điều này, thưa ông?
Để khắc phục tình trạng này, cần phải tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho mọi người hiểu được quyền của công dân, quyền của người lao động trong xã hội hiện đại và văn hóa ứng xử văn minh của người sử dụng lao động.
Quy tắc ứng xử phải luật hóa và bắt buộc đưa bộ quy tắc trên vào nội quy, quy chế của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thì những nạn nhân này mới dám tự tin, mạnh dạn loại bỏ được nỗi sợ và mặc cảm về yếu tố văn hóa phương Đông.
Có khó để bắt giữ đối tượng quấy rối tình dục không, khi việc quấy rối thường chỉ có hai người biết, thưa ông?
Việc bắt giữ các đối tượng quấy rối tình dục thực sự là việc khó khăn nếu không có chứng cứ và trong trường hợp chỉ có 2 người là người quấy rối và người bị quấy rối biết sự việc; nhưng nếu có nhân chứng hoặc các hình ảnh, băng ghi hình, tin nhắn… cụ thể thì vẫn có thể bắt giữ được.
Như vậy, cũng tránh được vấn đề khi có 2 người nào đó mẫu thuẫn với nhau sẽ xảy ra việc tố cáo trái pháp luật để hãm hại nhau; bởi vì, sự việc xảy ra chỉ có hai người biết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, các hình thức được xem là quấy rối tình dục gồm:
quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Hoặc quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về trang phục khi có mặt hoặc vắng mặt người đó, truyện cười ngụ ý tình dục. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Ngoài ra, việc dùng lời nói, các hành động không được mong muốn như nôn ngữ khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các chỉ các ngón tay… cũng được xem là hành vi mang tính chất quấy rối tình dục. Việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh vật, màn hình máy tính, tin nhắn… liên quan tới tình dục.
Luật Gia - Luật sư Triệu Trung Dũng là người đã công tác trong ngành pháp luật gần 30 năm. Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự triển khai nhiều chương trình như: Tháng luật sư riêng của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp lần đầu tiên tại Hà Nội và tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho các gia đình diện chính sách đợt 1 năm 2015. Chương trình bắt đầu từ ngày 19.5.2015 đến 18.6.2015, tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.