“Quyền được im lặng” vẫn phải chờ

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 24/09/2014 06:44 AM (GMT+7)
Vấn đề người bị bắt có quyền được giữ im lặng chờ luật sư đã được nói tới trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23.9 về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (KSND) sửa đổi.
Bình luận 0

Tăng thẩm quyền của tòa, viện để tránh oan sai

Trong dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, một nội dung mới được TAND Tối cao đề nghị bổ sung là: Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật, việc kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng của tòa là phù hợp với thực tiễn cũng như lý luận. Tuy nhiên, về thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ (trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa).

Về dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), một điểm mới đáng chú ý là quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Bởi ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang; gia hạn tạm giữ, thu giữ, tạm giữ các đồ vật, tài liệu...

Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy trong giai đoạn này đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan sai; việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy nếu chỉ quy định Viện KSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện KSND, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm...

Quyền giữ im lặng - còn nhiều tranh luận

Một điểm mới nữa trong dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) cũng được nhiều ý kiến tán thành là mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Theo đó cơ quan này không chỉ được điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp với người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp, mà cả người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp như giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra. Bởi các đối tượng này cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luật…

Về vấn đề bị can, bị cáo có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đồng ý như vậy. "Vậy khi quyền được bào chữa, quyền nhờ người bào chữa và nguyên tắc tranh tụng chưa được bảo đảm thực hiện thì phiên toà có mở không? Quyền bào chữa và nhờ người bào chữa phải đảm bảo để phiên toà đạt chất lượng cao nhất" - Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Về vấn đề tăng thẩm quyền điều tra cho tòa án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tòa phải tự tham gia điều tra, kiểm tra án ngay từ đầu để có thể xác định được công tác điều tra, truy tố trước khi chuyển hồ sơ sang toà xem có đúng hay không, chứ không phải nhận cáo trạng, thấy chưa ổn mới trả hồ sơ. Ông dẫn chứng ngay: “Như vụ ông Chấn, cũng là trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại mấy lần mà vẫn kết tội người ta như thế. Có chủ động điều tra mới đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử, quyền tối cao trong hoạt động tố tụng của toà, mà như khái quát đó là quyền tư pháp”.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, những vấn đề Chủ tịch Quốc hội đề cập Viện KSND đang cố gắng tập trung giải quyết trong quá trình biên soạn Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Riêng về quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị bắt, theo Viện trưởng Bình đây là vấn đề lớn, nhiều nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận nhiều. Cần phải có định hướng vì nếu không sẽ xảy ra xung đột. Ví dụ cơ quan điều tra không muốn áp dụng việc này còn giới luật sư lại ủng hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem