|
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam |
PV NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.
Là lãnh đạo một cơ quan bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, ông có những nhận xét gì về việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng (NH) yếu kém?
- Trên thế giới, mua bán, sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp (DN) là điều bình thường và nó cực kỳ hữu hiệu khi thực hiện tái cơ cấu, giúp DN vượt qua khó khăn và khủng hoảng để mạnh lên.
Tại Mỹ, từ năm 2008 đến nay đã xử lý khoảng 400 ngân hàng theo hình thức mua bán, sáp nhập, hợp nhất... mà trong đó quyền lợi của người gửi tiền không bị ảnh hưởng. Toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền được chuyển sang ngân hàng mới.
Ở Hàn Quốc, từ 6 ngân hàng nhỏ, yếu kém, chính phủ đã chủ động tái cơ cấu bằng cách bơm thêm 12,8 tỷ USD làm lành mạnh hóa tài chính, tiến hành hợp nhất thành Tập đoàn Tài chính Woori, sau đó cổ phần hóa rút vốn nhà nước về với số lượng 13 tỷ USD.
Những bước đi của Việt Nam hiện nay đều đã được chuẩn bị và có thể nhìn thấy những nét tương đồng về biện pháp kỹ thuật như thế giới đã làm.
Sau khi sáp nhập, bước đầu tâm lý người gửi tiền vẫn ổn định, đã không xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt. Tuy nhiên, người gửi tiền băn khoăn không biết họ được “lợi” gì sau khi các NH sáp nhập?
- Việc sáp nhập 3 ngân hàng thành một ngân hàng lớn với số vốn gần 11.000 tỷ, tổng tài sản 150.000 tỷ đồng - tương đương một ngân hàng trung bình là điều rất tốt. Đồng thời, thông qua đơn vị đại diện là BIDV chắc chắn sẽ tạo ra một NH mới mạnh về năng lực tài chính và quản trị. Đây cũng là một cam kết của Chính phủ về hỗ trợ các ngân hàng và là một thế mạnh mà 3 NH nếu đứng riêng lẻ không thể có được.
Khi tiến hành hợp nhất các NH thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng có đủ khả năng và biện pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để một NH nào rơi vào tình trạng đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Trong bất cứ trường hợp nào thì quyền lợi người gửi tiền cũng được bảo vệ hoàn toàn.
Nếu nói rằng bước đầu như vậy là suôn sẻ thì theo ông những việc mà NH hợp nhất cần làm sau đó là gì ? Liệu các khách hàng cũ và mới của NH hợp nhất có thuận lợi hơn trước không, bởi điều này sẽ tác động đến quyết định của người gửi tiền có tiếp tục lựa chọn NH sau sáp nhập để giao dịch? Làm thế nào để người gửi tiền thực sự yên tâm?
- Theo quan điểm cá nhân tôi thì việc hợp nhất 3 NH mới đây sẽ tạo ra một NH mới mạnh cả về nguồn lực tài chính và quản trị, do vậy khách hàng hoàn toàn yên tâm. Với vai trò là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Bảo hiểm Tiền gửi VN sẽ tăng cường các biện pháp để thực hiện tốt các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát NH mới. Người gửi tiền không nên lo lắng mà đưa ra quyết định rút tiền gửi trước hạn vì ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
|
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn tại Hà Nội - một trong 3 ngân hàng tham gia sáp nhập. |
Đặt ví dụ là khách hàng gửi tiết kiệm 70 triệu đồng và khi NH nhận tiền gửi gặp sự cố, Bảo hiểm Tiền gửi sẽ chi trả 50 triệu đồng, vậy 20 triệu còn lại sẽ do ai chi trả? Tất cả các NH khi gặp rủi ro về tín dụng đều được chi trả hay Bảo hiềm Tiền gửi chỉ chi trả cho một số NH ký hợp đồng bảo hiểm với đơn vị của ông?
Dự kiến hoàn tất hợp nhất 3 ngân hàng trong quý I/2012
Theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu của 3 Ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa, tên ngân hàng mới sẽ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (tên viết tắt là SCB), vốn điều lệ 10.583,8 tỷ đồng. Ngân hàng mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 tổ chức cũ. Trước khi hợp nhất, vốn điều lệ của SCB (cũ) là 4.185 tỷ đồng, TinNghiaBank là 3.339 tỷ đồng và Ficomabank 3.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30.9, tổng tài sản của 3 ngân hàng này là 154.000 tỷ đồng. Tổng mức cho vay và huy động 9 tháng đầu năm là 70.104 tỷ đồng và 84.759 tỷ đồng. Đề án hợp nhất sẽ trình Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng vào ngày 23.12.2011; dự kiến hoàn tất công việc hợp nhất vào quý I/2012.
T.L
- 50 triệu đồng là số tiền mà Bảo hiểm Tiền gửi sẽ trả ngay, số tiền còn lại sẽ được thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản. Việc tham gia Bảo hiểm Tiền gửi là bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi của người dân. Vì vậy, khi gửi tiền, mặc nhiên, khách hàng đã có quyền nhận 50 triệu đồng/sổ gửi tiền ở bất cứ đơn vị nào mà khách hàng gửi tiền bị sự cố.
Nhiều ý kiến băn khoăn khi tổ chức tín dụng gặp trục trặc thì số tiền chi trả được lấy từ nguồn nào - ngân sách Nhà nước hay của Bảo hiểm Tiền gửi, bởi nếu lấy từ ngân sách Nhà nước thì thực chất cũng là từ tiền thuế nên không thể lấy từ đó để cứu trợ các tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ?
- Tôi cho rằng đây là một câu hỏi rất đáng quan tâm, nhắc nhở tới trách nhiệm rất cao của Bảo hiềm Tiền gửi. Thứ nhất, một trong những mục tiêu của Bảo hiềm Tiền gửi khi thành lập là khi xảy ra sự cố cần xử lý, thì sẽ tránh tối đa việc sử dụng ngân sách, tức là tiền thuế của người dân. Và chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc chính sách này.
Trong 11 năm qua, có 39 tổ chức tham gia Bảo hiềm Tiền gửi gặp sự cố, đổ vỡ hoặc bị rút giấy phép. Chúng tôi đã chi trả 20 tỷ đồng cho người gửi tiền ở 18 tỉnh, thành phố. Việc chi trả này không sử dụng một đồng nào từ nguồn vốn ban đầu do ngân sách cấp, mà hoàn toàn sử dụng từ nguồn quỹ Bảo hiểm Tiền gửi sau 11 năm thành lập.
Thứ hai, đối với những sự cố lớn hơn, theo quy định, chúng tôi được phép vay từ các tổ chức khác hoặc phát hành trái phiếu để thực hiện nghĩa vụ của mình. Sau đó, sẽ có các biện pháp kỹ thuật để thu hồi lại số tiền này, dứt khoát không sử dụng ngân sách.
Trong trường hợp nhiều người có nguyện vọng rút tiền mà cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi gặp khó khăn khi chi trả thì giải quyết ra sao, thưa ông?
- Tính đến thời điểm này chưa bao giờ xảy ra trường hợp đó. Tuy nhiên, nếu có xảy ra thì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ đứng ra hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.