Loại bỏ những “con sâu”
Đồng hành với sự phát triển quá “nóng và ảo” của BĐVN khoảng 3-4 năm qua, giới cầu thủ đã kiếm được rất nhiều tiền từ lương, lót tay, thưởng và không ít người trong số họ đã “đốt” nhiều tiền hơn vào các tệ nạn xã hội. Vụ việc cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng “say rượu” lái ô tô gây tai nạn giao thông ở Thanh Hóa cách đây gần 2 tháng được nhiều người coi là minh chứng...
|
Những biểu hiện bất thường như của cầu thủ Huy Hoàng (SLNA) cần được kiểm tra, giám định để làm rõ việc có sử dụng các chất kích thích bị cấm trong thể thao. |
“Tôi biết một số ngoại binh sang việt Nam thử việc có sử dụng doping để đạt mục đích ký hợp đồng. Riêng cầu thủ Việt Nam, tôi tin không huấn luyện viên (HLV) nào lại để bác sĩ cho cầu thủ dùng doping đâu, bởi điều đó nguy hiểm đến tính mạng của họ, danh dự của đội bóng. Tuy nhiên, một bộ phận cầu thủ vẫn sử dụng chất gây nghiện và chúng ta cần kiểm tra, phát hiện để đưa ra những án kỷ luật nặng, thậm chí “treo giò” vĩnh viễn để răn đe” - HLV Hoa Mạnh Hưng (Hà Nội) nói.
Một bộ phận cầu thủ vẫn sử dụng chất gây nghiện và chúng ta cần kiểm tra, phát hiện để đưa ra những án kỷ luật nặng, thậm chí “treo giò” vĩnh viễn để răn đe” - HLV Hoa Mạnh Hưng bày tỏ.
Chia sẻ với ý kiến của đồng nghiệp, HLV Triệu Quang Hà (Thanh Hóa) bày tỏ:
“Chúng tôi đã được cán bộ ban y học VFF truyền đạt những kiến thức để phát hiện cầu thủ có biểu hiện sử dụng doping. Nhưng cũng chỉ kiểm soát được cầu thủ trên sân tập thôi, chứ hậu trường họ sinh hoạt thế nào thì rất khó nói. Vậy nên sẽ rất tốt nếu thời gian tới VFF tiến hành kiểm tra doping bắt buộc”.
Về vấn đề này, tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh thể hiện quan điểm: “Việc kiểm tra doping rất tốt với bản thân mỗi cầu thủ nói riêng và BĐVN nói chung. Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu chủ trương đó được đưa vào thực hiện”.
Không né tránh sự thật?
GS Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Chủ tịch VFF, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT cho biết: “Thông tư Giám định huấn luyện và thi đấu thể thao, trong đó có giám định doping đang được Viện hoàn thiện. Sau khi thông tư này được Bộ VHTTDL ký ban hành, cơ quan giám định doping có thể yêu cầu giám định với 1 VĐV vào bất kỳ lúc nào”.
Về phía VFF, ông Ngô Lê Bằng-Tổng Thư ký VFF cho hay: “Chúng tôi đã nhận được công văn chỉ đạo từ phía Tổng cục TDTT. Đây là lệnh và VFF sẽ chấp hành. Còn về các yếu tố “kỹ thuật” cụ thể để triển khai, chúng tôi sẽ bàn bạc thêm với nhiều phía, trong đó có các chuyên gia về khoa học thể thao để đưa ra những bước đi hợp lý”.
Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA đề xuất là sau mỗi vòng đấu, căn cứ vào tổng hợp của các giám sát, ban tổ chức sẽ thử một vài trường hợp có biểu hiện bất thường.
“Kinh phí dù đắt (nếu mang ra nước ngoài kiểm tra sẽ mất 200-300 USD/mẫu-PV) nhưng vẫn phải làm. Những trường hợp bị phát hiện có dùng chất cấm, phải xử thật nặng” - ông Thanh nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một huấn luyện viên lão làng, một người quá am hiểu những “ngóc ngách” của BĐVN, ông Lê Thụy Hải đặt dấu hỏi: “Điều tôi e ngại nhất là chúng ta có trung thực trong quá trình kiểm tra không hay lại làm qua loa? BĐVN lâu nay đã tồn tại nhiều bất cập nhưng có mấy ai dám nói thẳng và xử mạnh tay để làm gương?”.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.