Sẽ sớm có vaccine Covid-19 Việt Nam

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 04/06/2021 13:00 PM (GMT+7)
Song song với việc tìm mua vaccine Covid-19 từ nhiều nguồn, Việt Nam còn đàm phán để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 để chủ động nguồn cung. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Bình luận 0

Gia công vaccine của Nga

Sau buổi làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga chiều 2/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công 20 triệu liều vaccine Covid-19 Spunik của Nga. Đồng thời, Việt Nam cũng xác định hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của Nga.

Cụ thể, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam dã có thư ngỏ đề xuất mua vaccine Covid-19 của Nga. Tuy nhiên, vì điều kiện sản xuất nên Nga chưa đảm bảo cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam. Đến nay, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Covid-19 Spunik trong năm 2021.

Quyết liệt để sớm có vaccine Covid-19  - Ảnh 1.

Tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: P.V

Cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine Covid-19. Bộ Y tế đã nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine cho tất cả người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận các nguồn vaccine khác như COVAX, Astra Zeneca; Pfize; Mderna; Johnson&Johnson…

Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38.9 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua nguồn COVAX, tuy nhiên hiện nay vaccine về chưa nhiều. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy COVAX để sớm đưa vaccine về Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Việt Nam đã đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech cung ứng cho Việt Nam 31 triệu liều. Trước đó, từ tháng 11/2020 cũng đã ký với Astra Zeneca khoảng 30 triệu liều.

"Hiện nay, với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ, Anh, có thể nói rằng chúng ta đã dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022"- Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh vaccine Covid-19 cho những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là rất cần thiết. Vì vậy, Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Công ty Vibiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất là 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Y tế cũng tiếp tục yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.

"Phía Nga đã hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Việt Nam" - Bộ trưởng cho biết.

Sớm có vaccine Covid-19 Việt Nam

PGS-TS Chử Văn Mến (Học viện Quân y) cho biết, giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax của Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6 này. Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên và việc tiêm vaccine này dự kiến sẽ hoàn tất trong 1 tuần.

Giai đoạn này nhóm nghiên cứu sẽ tăng số lượng người thử nghiệm, tăng mẫu lên để đánh giá thêm về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax. Liều tối ưu được lựa chọn cho giai đoạn 3 là 25 mcg.

Theo PGS Mến, hiện đã có 1.700 người đăng ký tham gia tiêm. Ngoài ra, có nhiều người đang làm việc tại các công ty tư nhân cũng đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine. Cũng có những công ty đăng ký tiêm cho cả công ty (300 tới 500 người). Đây là những công ty bình thường, không liên quan tới y dược.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, mức độ đáp ứng miễn dịch của tình nguyện viên được đánh giá tốt khi sản sinh ra kháng thể gấp 4 lần so với bình thường, cá biệt có trường hợp gấp 20 lần. Tuy nhiên ở vaccine Nano Covax độ đáp ứng miễn dịch còn cao hơn. Sau tiêm mũi đầu tiên 35 ngày, lượng kháng thể trên một số tình nguyện viên tăng lên đến hơn 60 lần, sau 3 tháng vẫn còn 34 lần. Cũng theo đánh giá này tỷ lệ sốt sau khi tiêm dưới 2%. Vaccine sinh miễn dịch rất tốt và có hiệu quả với cả biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.

Quyết liệt để sớm có vaccine Covid-19  - Ảnh 3.

PGS Mến cho biết hiện nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng các khâu chuẩn bị nguyên liệu, các quy trình để có thể đưa vào sản xuất khi được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép. "Nếu dịch Covid-19 bùng phát trong nước, hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ cấp phép tiêm cho người dân. Năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam hiện nay là 6 triệu liều/tháng"- ông Miến nói.

Trước đó, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết vaccine Nano Covax hiện là ứng viên rất tiềm năng, sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 ngay đầu tháng 6.

"Trong giai đoạn 3, chúng ta sẽ vừa thử nghiệm vừa đánh giá, nếu hội đồng chuyên môn, hội đồng đạo đức thông qua và sau đó xin ý kiến Chính phủ chúng ta có thể cấp phép trong tình trạng khẩn cấp cho vaccine Nano Covax giống như các vaccine khác của nước ngoài" - ông Tuyên nói.

Vaccine Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein. Nano Covax là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, vaccine Covid-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất là Covivac của công ty IVAC cũng đã tiêm thử nghiệm xong giai đoạn 1. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem