Ra mắt những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
Ra mắt những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
Vũ Nga
Thứ ba, ngày 19/07/2022 14:31 PM (GMT+7)
Vừa qua, công ty CP Sbooks tổ chức giao lưu ra mắt sách "Về phía bình minh" của tác giả Võ Thu Hương và tập thơ "Những ngọn đèn thơm" của tác giả Hồ Huy Sơn đồng thời thảo luận chủ đề "Sách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ" tại Đường Sách TP.Hồ Chí Minh.
Buổi lễ giao lưu ra mắt sách trong khuôn khổ Hội sách Thiếu nhi lần III – năm 2022 là bước đánh dấu của Sbooks trong việc tập trung phát triển các tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Truyện dài thiếu nhi "Về phía bình minh" của tác giả Võ Thu Hương và tập thơ thiếu nhi "Những ngọn đèn thơm" của tác giả Hồ Huy Sơn đã được phát hành toàn quốc từ ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Tuy nhiên, đến ngày 16/7, hai tác phẩm này mới được chính thức ra mắt với độc giả trong khuôn khổ Hội sách Thiếu nhi lần III – 2022 do Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phối hợp Đường Sách TP.HCM thực hiện.
"Về phía bình minh" là một truyện dài của tác giả Võ Thu Hương. Câu chuyện kể về cuộc đời cô bé tên Xuân được sinh ra và lớn lên tại một vùng biển mà người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, bố mẹ em cũng là những diêm dân như thế. PGS.TS Bùi Thanh Truyền cho rằng: "Truyện như là một cẩm nang về kỹ năng, nghị lực sống gần gũi, thiết thực đầy bổ ích cho trẻ em. Thắp lên ở các em niềm tin trong sáng, ngây thơ mà hợp lẽ, sâu bền về tình người, về cuộc sống, hy vọng ở tương lai, khơi gợi lối sống nhân hậu, nghĩa tình, chung thủy cho bạn đọc nhỏ tuổi". Với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, dễ thương, từ ngữ dể hiểu, tác phẩm như món quà cho các em nhỏ nhân dịp hè về.
"Về phía bình minh" là thông điệp về tình thương từ tình cảm gia đình, từ cộng đồng với sự vượt khó thành công nếu có ý chí. Bằng văn phong mộc mạc, giản dị nhưng đầy hấp dẫn, tác giả Võ Thu Hương đã dẫn người đọc đi qua những trang sách nhiều khổ đau và hờn tủi của tuổi nhỏ để thấy được những ánh sáng đẹp đẽ trong cuộc đời và trong tâm hồn mỗi người.
"Những ngọn đèn thơm" là một tác phẩm đặc biệt trên chặng đường văn chương của nhà văn – nhà báo Hồ Huy Sơn. Đây là tập thơ thiếu nhi đầu tiên của anh được trình làng sau gần mười năm ấp ủ. Tập thơ 42 bài chủ yếu ở thể thơ 4 chữ, 5 chữ do Sbooks và NXB Văn học ấn hành đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Tập thơ "Những ngọn đèn thơm" chứa rất nhiều hình ảnh đẹp, tươi sáng, khơi gợi trí tưởng tượng và cảm nhận của những tâm hồn yêu văn chương. Những điều hay lẽ phải, các bài học cư xử, ứng xử trong đời sống xung quanh được Hồ Huy Sơn khéo léo truyền tải qua những dòng thơ anh gửi tới các bạn nhỏ.
Trong khuôn khổ buổi giao lưu ra mắt và thảo luận, các khách mời và tác giả đã trao đổi nhiều thông tin hữu ích về vấn đề sách đối với thiếu nhi. Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM có những chia sẻ tâm huyết về việc sách hoạch định tương lai con trẻ và tầm quan trọng của phối hợp giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội.
TS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng BCIS - tác giả sách "Chăm trái tim con ấm" chia sẻ những thông điệp quý báu về phương pháp nuôi dạy con, cách kiến tạo gốc rễ cho một đứa trẻ để con trưởng thành toàn diện. Đồng thời tác giả Võ Thu Hương và tác giả Hồ Huy Sơn cũng đưa ra những thông tin quan trọng về thực tế đọc sách của trẻ, thực tế trong việc tạo ra các tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Nhà văn – nhà báo Hồ Huy Sơn, tác giả tập thơ thiếu nhi "Những ngọn đèn thơm" nhấn mạnh rằng: "Ngoài những điều học được từ nhà trường, từ cha mẹ thì sách chính là kho kiến thức đồ sộ để trẻ áp dụng trong việc học cũng như trong cuộc sống. Các tác phẩm văn học thiếu nhi giúp nuôi dưỡng và hình thành những nhân cách tốt đẹp cho các em, giúp các em biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông".
Để hình thành thói quen đọc và gieo tình yêu sách cho trẻ cần có sự định hướng, khơi gợi, đồng hành từ phía người lớn để dần dần tạo nên thói quen, sự yêu thích đọc sách nơi các em. Bởi đơn giản, giống như một người làm vườn, muốn có một thế cây đẹp hay muốn có những chùm quả sai trĩu, thì cần phải uốn nắn, chăm sóc cây từ lúc nhỏ. Việc đọc sách của các em cũng như vậy, để có một người đọc sách sau này thì những năm tháng đầu đời cần đến sự chung tay của cha mẹ, thầy cô cũng như của toàn xã hội.
TS. Nguyễn Thị Thu Huyền nêu quan điểm đọc sách chính là cách tốt nhất để mở rộng thế giới cho trẻ em: "Rất nhiều người cho rằng việc đọc sách chỉ bắt đầu khi trẻ đi học, được dạy bảng chữ cái, ráp vần và đọc chữ. Điều này là không chính xác. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra việc đọc sách sớm cho trẻ ảnh hưởng sâu sắc đến sự hứng thú lẫn kỹ năng đọc sách của trẻ sau này.
Vì vậy, cha mẹ mới là người dạy đọc đầu tiên của con. Cách thức đọc sách phù hợp cũng tối ưu hoá hiệu quả của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ. Từ cách chọn sách, cách cầm sách khi đọc cùng con, cách đặt câu hỏi, các hoạt động liên quan đến sách đều cần có sự lưu tâm của cha mẹ".
Ông Nguyễn Anh Dũng – nhà sáng lập Sbooks cho biết: "Chúng ta đều có chung một mong muốn với trẻ là mong chúng trưởng thành, biết yêu và được yêu, theo đuổi giấc mơ của mình, chạm tới thành công và hơn hết là được hạnh phúc. Tập thói quen đọc sách và yêu mến sách là cách đặt nền móng cho hạnh phúc suốt đời của một đứa trẻ. Việc phát triển sách thiếu nhi góp phần tưới mát cho những tâm hồn trẻ thơ và tạo nên một thế hệ sống có ý nghĩa trong tương lai".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.