Ra ứng cử đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh đối mặt nhiều chuyện

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 22/03/2016 14:50 PM (GMT+7)
"Tôi đã trải nghiệm nên nghĩ khi ứng cử đại biểu Quốc hội cũng muốn cử tri nói thẳng những cái tốt, chưa tốt của mình, chẳng có gì e ngại chuyện đó", đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Bình luận 0

img

Đại biểu Dương Trung Quốc. (Ảnh: VPQH)

Công tác bầu cử bước vào giai đoạn lấy ý kiến nhận xét của những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại nơi họ cư trú, theo ông ở giữa người tự ra ứng cử so với người được đề cử họ có khó khăn gì ở giai đoạn này?

- Tất nhiên về lý thuyết thì giữa người tự ứng cử và người được cơ quan, tổ chức giới thiệu là bình đẳng như nhau. Còn trong thực tế dẫu sao người được cơ quan, tổ chức giới thiệu ra ứng cử giống như đã được "tín chấp". Nghĩa là họ đã được sàng lọc trong cơ quan, tổ chức đó.

Việc lấy phiếu tín nhiệm của cử tri tại nơi người ứng cử ĐBQH không rộng rãi như cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu được. Cho nên tôi nghĩ chúng ta phải làm tốt để cho người tham gia ứng cử khi không đủ điều kiện ở khâu này họ cũng chấp nhận được chuyện đó, tránh mặc cảm cho rằng có sự phân biệt đối xử.

Khi đang trong quá trình hiệp thương những thông tin bất lợi về người tự ứng cử như ông này có chuyện này, chuyện kia, trong khi thông tin đó chưa được kiểm chứng, kết luận ngay sẽ ảnh hưởng đến kết quả của họ?

- Điều đó chắc chắn là ảnh hưởng, nhưng tôi cho rằng trong thời đại thông tin hiện nay anh đã ra ứng cử ĐBQH thì phải có bản lĩnh để đương đầu với mọi chuyện và anh phải có niềm tin. Các cụ đã nói "cây ngay không sợ chết đứng". Còn trong cuộc sống có những chuyện này, chuyện kia cũng là điều bình thường.

Tôi đã trải nghiệm nên nghĩ khi ứng cử cũng muốn cử tri nói thẳng những cái tốt, chưa tốt của mình, chẳng có gì e ngại chuyện đó. Nếu người ứng cử đủ tự tin cho rằng mình đủ tiêu chuẩn thì hoàn toàn đối diện với nhân dân theo cách chân thành.

Là người từng tham gia nhiều khóa Quốc hội liên tục, ông có điều gì chia sẻ với những người tự ứng cử ĐBQH, thưa ông?

- Tôi cho rằng mỗi người khi ra ứng cử nên giữ một tâm thế. Đương nhiên anh đã có ý định, có mục tiêu thì ai cũng muốn đạt được mục tiêu đó. Nghĩa là đã tham gia ứng cử thì có ý chí là thành công nhưng đồng thời cũng có tâm thế để đón nhận việc có trúng cử hay không trúng cử.

Không trúng cử nghĩa là có những người ứng cử khác họ hơn mình, giỏi hơn mình, có những người được nhân dân tín nhiệm hơn mình. Tuy nhiên điều đó chỉ chính xác với đòi hỏi, thứ nhất là quá trình thực thi về mặt pháp lý phải hết sức minh bạch. Cái thứ hai tôi cho rằng quan trọng hơn nhiều là người dân thực sự tham gia và có ý thức tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, còn như người dân còn thờ ơ, phó mặc, chắn chắc kết quả cuối cùng không phản ánh đúng.

Về cá nhân tôi, đến thời điểm này tôi cũng tham gia ứng cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ tư, mình vẫn giữ tâm thế trường hợp không trúng cử coi như có nhiều người giỏi hơn mình. Về riêng tư có thể có điều gì chạnh lòng, nhưng nghĩ về cái chung thì đất nước có được đại biểu Quốc hội chất lượng cao hơn.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem