Ra tòa vì đăng ảnh cá nhân chưa được đồng ý
Đó là phán quyết mà TAND quận Cầu Giấy cấp sơ thẩm vừa tuyên trong vụ án dân sự “Yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”, giữa nguyên đơn trong vụ án là bà Nguyễn Thị M (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh), bị đơn là báo Gia đình Việt Nam (Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Vụ án này đã được TAND quận Cầu Giấy thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (số 18/2017/DSST ngày 1.3.2017).
Theo đó, vào năm 2013, liên quan đến một vụ việc cần xác minh để viết bài, nhà báo Phạm Ngọc Dương (tác giả bài viết mà bà M là nhân vật trong đó-PV) đã đến tìm gặp bà M tại huyện Vân Đồn để tìm hiểu thông tin.
Trong cuộc nói chuyện, sau khi nắm bắt thông tin về sự việc, nhà báo Phạm Ngọc Dương đã chụp ảnh bà M với "sự đồng ý của bà này", nhà báo Ngọc Dương khẳng định. Sau đó, những thông tin được đăng tải trên ấn phẩm Gia đình và Cuộc sống (thuộc báo Gia Đình Việt Nam), trong bài viết có kèm tấm ảnh chân dung của bà M.
Bà M đã làm đơn khởi kiện báo Gia đình Việt Nam về hành vi đăng ảnh cá nhân của bà lên báo khi chưa được bà đồng ý. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, sau đó do bất đồng quan điểm, người phụ nữ này đã gửi đơn đến Thanh tra Bộ TT&TT về việc ảnh chân dung của mình bị đưa lên báo mà chưa có sự đồng ý của bà. Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt hành chính 9 triệu đồng đối với báo Gia Đình Việt Nam vì hành vi trên.
Tiếp sau đó, bà M khởi kiện báo Gia đình Việt Nam ra tòa, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và đòi bồi thường hơn 300 triệu đồng.
Kết thúc phiên sơ thẩm, TAND quận Cầu Giấy tuyên buộc báo Gia đình Việt Nam phải cải chính thông tin, xin lỗi bà M và bồi thường cho bà này gần 70 triệu đồng.
Kháng cáo toàn bộ bản án
Trao đổi với Dân Việt chiều 10.10, luật sư Phạm Ngọc Minh – Công ty TNHH Everest, đoàn luật sư TP.Hà Nội, là một trong các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho biết, báo Gia đình Việt Nam đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy.
Theo ông Minh, bản án dân sự sơ thẩm tòa đã tuyên dựa trên việc áp dụng không đúng các quy định pháp luật; việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ gây thiệt hại cho bị đơn là báo Gia đình Việt Nam. “Đây là một sai lầm nghiêm trọng về pháp luật” – luật sư Phạm Ngọc Minh khẳng định.
Cũng theo vị luật sư của Công ty TNHH Everest, bản án dân sự sơ thẩm buộc báo Gia đình Việt Nam cải chính công khai lại thông tin, cũng như xin lỗi bà M và gia đình, vong linh người chết là không có căn cứ pháp luật.
Bởi, báo Gia Đình Việt Nam khẳng định không có hành vi thông tin không đúng sự thật, vi phạm các quy định của Luật báo chí 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật báo chí như Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy nhận định trong Bản án dân sự sơ thẩm.
Tiếp đó, luật sư Minh khẳng định, việc đăng ảnh của bà Nguyễn Thị M trong các bài viết trên báo Gia đình Việt Nam được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật báo chí tại thời điểm đăng (năm 2014) và pháp luật báo chí hiện hành. Không có hành vi chụp lén, hay có mục đích bôi nhọ làm xấu đi hình ảnh, danh dự, uy tín và nhân phẩm như lời bà M khai trong các phiên tòa xét xử.
Báo Gia đình Việt Nam đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Về quyết định yêu cầu bị đơn bồi thường cho bà M của TAND quận Cầu Giấy, đơn kháng cáo nêu rõ, việc này không có căn cứ, không đúng theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo bản án được tòa tuyên, báo Gia đình Việt Nam sẽ phải bồi thường cho nguyên đơn các khoản chi phí tổn thất về tinh thần, tiền đi xe khách từ bến xe Vân Đồn (Quảng Ninh) đến bến xe Gia Lâm (Hà Nội), tiền đi xe ôm, tiền ăn uống, thuê luật sư tư vấn… với tổng số tiền là 69.926.000 đồng (gần 70 triệu đồng).
Theo phân tích của luật sư Minh, đây là những khoản chi phí bồi thường thiệt hại không có căn cứ xác nhận, không đúng theo quy định pháp luật.
Trao đổi với PV Dân Việt về sự việc này, nhà báo Phạm Ngọc Dương cho biết, việc TAND quận Cầu Giấy cấp sơ thẩm xét xử như vậy là không có căn cứ.
“Tôi chụp ảnh khi đã được sự đồng ý của nhân vật. Bà M mời tôi về với tư cách nhà báo để trao đổi công việc. Lúc chụp ảnh thì bà ấy ngồi ngay ngắn, cầm hồ sơ rồi nhìn vào ống kính máy ảnh của tối. Do trời tối nên tôi phải bật đèn flash để chế độ chụp đêm. Như vậy rõ ràng không phải chụp trộm rồi hay nhân vật không cho phép chụp rồi. Mặt khác bà M đã biết rõ tôi là nhà báo nên hiểu việc tôi chụp ảnh bà với mục đích gì” – nhà báo Dương phân tích.
Nhà báo Dương cũng viện dẫn, trong luật Báo chí đã quy định rõ, phóng viên, nhà báo được phép chụp ảnh cá nhân đăng báo không cần xin phép trong trường hợp như những vụ việc ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an ninh quốc gia… những việc có lợi cho xã hội.
“Bà M đã đăng tải những thông tin trên mạng xã hội mang tính mê tín dị đoan, tố cáo các cơ quan tố tụng vô căn cứ trong sự việc của con trai. Trong trường hợp này, việc tôi sử dụng hình ảnh cá nhân của bà là hoàn toàn được phép” – ông Dương phân tích.
Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt về sự việc này, luật sư Lê Văn Luân – Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long nhận định: “Trong trường hợp này, nếu nhà báo chứng minh được nhân vật đã đồng ý cho nhà báo đăng hình ảnh cá nhân lên báo qua băng ghi âm hay clip hoặc chứng cứ nào khác thì sẽ có cơ sở hơn".
Luật sư Luân phân tích, một số trường hợp ảnh cá nhân được sử dụng bình thường gồm: Một là đích thân người có quyền sở hữu hình ảnh cho đăng, hai là người của công chúng, ba là nguồn từ cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết sự việc.
"Còn nếu muốn sử dụng hình ảnh cá nhân để đăng báo thì bắt buộc phải xin phép họ và nên có chứng nhận rõ ràng” – luật sư Luân nói.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cũng nhận định, việc TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) xét xử như vậy không phải không có căn cứ pháp lý.
Theo luật sư này, việc một cá nhân đồng ý cho chụp ảnh và việc đồng ý cho đăng ảnh lên báo lại là hai điều hoàn toàn khác nhau.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.