Rau quả "vượt mặt" lúa gạo, trở thành ngành hàng "hot"

Thiên Hương Thứ ba, ngày 03/01/2017 07:00 AM (GMT+7)
Mấy năm trước, ít ai nghĩ rằng rau quả sẽ có ngày chiếm vị trí cao trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam... Thực tế của năm 2016 là tính đến hết tháng 11, rau quả đã vượt mặt lúa gạo, trở thành ngành hàng “hot” và có triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Bình luận 0

Theo con số thống kê của Bộ NNPTNT, xuất khẩu (XK) rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua. Nếu như năm 2012, XK rau quả của Việt Nam chỉ đạt kim ngạch 826 triệu USD thì đến năm 2014 đã lọt vào nhóm hàng “tỷ đô”, đem về kim ngạch 1,5 tỷ USD; năm 2015 vươn lên 2,2 tỷ USD và năm 2016 - tính đến tháng 11 đã đem về cho đất nước 2,3 tỷ USD. 

Lần đầu chạm mốc 2,5 tỷ USD

Năm 2005, rau quả Việt Nam mới được XK tới 36 nước và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD, thì hiện nay rau quả đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 70,4% kim ngạch XK), tiếp đó là Hàn Quốc (3,6%), Hoa Kỳ (3,4%), Nhật Bản (3,1%), Nga, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan, Singapore... Với đà tăng trưởng ngoạn mục này, các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2016, kim ngạch XK rau quả có thể cán mốc 2,5 tỷ USD và sẽ vượt qua mặt hàng gạo.

img

  Tuyển chọn thanh long đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu tại Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu. Ảnh: I.T

Theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy XK rau quả, trước mắt cần cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với ngành hàng rau quả; mỗi địa phương chỉ tập trung phát triển 1-2 cây chủ lực, đồng thời mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, thời gian qua ngành rau quả đã gặt hái được những kết quả XK rất ấn tượng, đặc biệt là mặt hàng trái cây (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng rau quả XK). Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến XK lúa gạo mà chưa thực sự chú trọng đến rau quả, trong khi dư địa để phát triển ngành này còn rất lớn.

Tính riêng vùng ĐBSCL, hiện tại đây có trên 288.000ha cây ăn quả các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn quả để phục vụ tiêu dùng và XK. Trong đó, các loại trái cây chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam, quýt, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của ĐBSCL liên tục được phát huy, theo đó việc canh tác cây ăn trái đã được người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Nhờ vậy sản lượng, chất lượng trái cây tăng lên, hình thành được một số vùng chuyên canh trái cây đặc sản hàng hóa tập trung như vùng trồng xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và TP.Cần Thơ, vùng trồng xoài Cát Chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng, bưởi da xanh ở Bến Tre, quýt hồng Lai Vung ở Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang và Long An, vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang…

Đáng chú ý là việc sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được bà con nông dân ĐBSCL đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu XK của các thị trường cao cấp, khó tính. Nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, dứa ở Tiền Giang, xoài ở Đồng Tháp...

Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, rau quả chính là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, bỏ xa các mặt hàng vẫn được xem là chủ lực như cà phê, hạt tiêu, điều, gạo... Bên cạnh đó, trong khi hàng loạt mặt hàng khác trong cùng nhóm có kim ngạch XK suy giảm thì riêng mặt hàng rau quả lại có kim ngạch tăng. Song theo nhận định của một số chuyên gia, kim ngạch tăng chỉ là một phần, việc mở rộng thị trường, thêm bạn hàng phương xa mới đem lại nhiều cơ hội to lớn hơn cho ngành rau quả, cũng như giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

“Định vị” lại cây, con chủ lực

img

Chế biến dứa tại Công ty CP thực phẩm XK Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: I.T

Tăng trưởng bình quân 37%/tháng

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2016, bình quân tăng trưởng XK rau quả khoảng 37%/tháng. Giá trị XK rau quả năm 2016 có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc khoảng 2,5-2,6 tỷ USD, góp phần bù đắp cho mức tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp những tháng đầu năm. 

Theo TS Nguyễn Quốc Vọng (Trường Đại học RMIT – Úc), hiện nay cây lúa vẫn chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại Việt Nam, với khoảng 7 triệu ha gieo trồng hàng năm, tuy nhiên giá trị lợi nhuận mang lại trên một đơn vị diện tích lại kém nhất, vì thế nông dân trồng lúa có thu nhập thấp nhất so với các loại cây con khác…

Xét về hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất là chưa hợp lý. Vì vậy, theo ông Vọng, việc định vị lại cây, con chủ lực là điều nên làm do dư địa rau quả còn rất lớn, lượng giao dịch toàn cầu hơn 100 tỷ USD/năm, trong khi lúa gạo chỉ khoảng 10 tỷ USD/năm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ tăng 2,8%/năm.

Cũng theo bà Phan Thị Diệu Hà, việc hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội cho Việt Nam gia tăng kim ngạch XK rau quả. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với XK rau quả nói riêng và XK nông sản nói chung. Bởi một loại rau quả muốn được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm và thậm chí lâu hơn.

Còn nhớ khoảng năm 2008, Mỹ mở cửa thị trường thanh long cho Việt Nam, nhưng trước đó 4 năm, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục BVTV) đã đến Mỹ tìm hiểu và tiến hành các bước đầu tiên để thanh long có thê đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam phải gửi danh sách dịch hại có trên trái thanh long, hai bên phân tích nguy cơ để thống nhất danh sách đối tượng thực vật cấm cùng giải pháp loại bỏ. Để có chương trình tiền chứng nhận, phía Mỹ và Cục BVTV phải giám sát và lên danh sách mã số vùng trồng (bọc trái, sử dụng thuốc BVTV theo yêu cầu nước nhập khẩu, trồng theo chuẩn GAP), có mã số cơ sở đóng gói và nhà máy xử lý trái trước khi XK…

Năm 2011, mặt hàng chôm chôm tiếp tục được Mỹ xem xét nhập khẩu, tiếp đó là nhãn, vải và đến nay, Mỹ đã đồng ý nhập khẩu thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoai. Cũng với cách làm này, năm 2009, Nhật Bản mở cửa thị trường thanh long, rồi Hàn Quốc, Chilê, Úc, New Zealand. Hiện Nhật Bản cho nhập thêm xoài và dự kiến sắp tới là thanh long ruột đỏ…

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay đã có một số loài trái cây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa như bưởi Năm Roi Hoàng Gia, sầu riêng Chín Hóa, vú sữa Lò Rèn... Vì vậy để đẩy mạnh XK rau quả, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây chất lượng cao, sản lượng đủ lớn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp lớn gắn bó với hoạt động xuất, nhập khẩu rau quả nhiều năm nay, ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao cho biết: “Kim ngạch XK rau quả hiện có thể nói đã đạt con số ấn tượng, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng. Nếu chúng ta tập trung kiểm soát tốt đầu vào cả về mặt số lượng và chất lượng thì theo tôi, ngành rau quả hoàn toàn có thể XK với số lượng gấp 5, thậm chí gấp 10 lần hiện nay”. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc - chuyên gia tư vấn thị trường (Tập đoàn AIC): Lợi ích kép

img

Việc khơi thông những thị trường khó tính mang lại “lợi ích kép” khi vừa tránh cho rau quả phụ thuộc vào một thị trường, vừa giúp cho người nông dân thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, chuyển từ bán cái mình có sang bán những gì thị trường cần. Đây cũng là hướng đi tất yếu mà ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nông sản nói riêng cần hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới.

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT): Nghiên cứu nhu cầu thị trường lớn

img

Trái cây Việt Nam ngày càng có mặt tại những thị trường khó tính, từ đó cũng đòi hỏi chất lượng ngày càng phải tăng cao. Sắp tới Cục Bảo vệ thực vật sẽ nghiên cứu nhu cầu của các thị trường và tập trung chủ yếu vào những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn và có giá trị cao. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật sẽ khai thác các thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN và Trung Quốc… với mỗi thị trường cần phải có giải pháp riêng để xuất khẩu để hiệu quả cao hơn.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: Tiềm năng xuất khẩu rất lớn

img

Tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo sẽ đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

P.V (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem