Rau VietGAP chịu thua thiệt trước rau chợ

Trần Quang Thứ hai, ngày 22/09/2014 07:05 AM (GMT+7)
Dù được trồng theo quy trình an toàn sinh học, không sử dụng phân, thuốc trừ sâu hóa học độc hại… nhưng hiện nay rau VietGAP vẫn khó tìm được thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn tới nhiều nông dân không còn mặn mà làm rau VietGAP.
Bình luận 0

Rau sạch thua rau “chợ”

Tham gia dự án sản xuất rau an toàn VietGAP nhiều năm, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dùng ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vẫn loay hoay, chật vật tìm đầu ra cho rau nhà trồng.

Ông Dùng cho hay: “Hàng năm gia đình trồng trên 3 sào rau theo quy trình an toàn VietGAP với đủ các loại rau như cà chua, cải, su hào... luôn đáp ứng quy trình sạch 100% từ khâu làm đất, gieo hạt đến khi thu hoạch, đặc biệt là rau trồng không sử dụng bất cứ một loại phân và thuốc trừ sâu hóa học độc hại. Song đến khi thu hoạch vẫn phải mang ra chợ bán và luôn phải đối mặt với quy luật “được mùa, rớt giá”.

Ông Dùng cho biết thêm, rau trồng theo quy trình VietGAP chăm sóc và thu hoạch mất khá nhiều công sức, nhất là khâu diệt trừ sâu hại gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi phải dùng đến biện pháp thủ công để diệt sâu, bón phân cũng phải đạt chuẩn nhưng rau trồng chậm phát triển và lâu được thu hoạch hơn so với rau trồng theo cách thường. Đáng ra phải có thị trường riêng và bán giá cao hơn rau thường nhưng nhiều khi mang ra chợ rau còn bị người dùng chê, phải bán với giá thấp.

Để minh chứng cho phóng viên, ông Dùng nhổ một số cụm rau cải ở trong ruộng rau trồng theo quy trình VietGAP mang đến ruộng rau trồng thường cạnh để so sánh, ông Dùng bảo: Rau sạch nhìn bề ngoài không khác gì so với rau thường, thậm chí trông còn xấu màu hơn, nên khi mang ra chợ bị thua thiệt là chuyện thường.

“Nhiều vụ do thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh nhiều, rau xấu nên khó bán thì còn bị lỗ đấy” - ông Dùng ngậm ngùi.

Cũng thực trạng trên, tại nhiều địa phương khác như ở Hà Nội, Vĩnh Phúc… có nhiều nông dân tham gia dự án trồng rau VietGAP tỏ ra không còn mặn mà, tha thiết với trồng loại rau trên. Tân Tiến (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), từng là xã có diện tích trên 15ha rau, quả VietGAP, với hàng trăm hộ dân tham gia trồng, thế nhưng đến nay đã giảm xuống còn 1ha, còn 21 hộ.

Nhà có trồng hơn 2 sào rau VietGAP, ông Bùi Văn Sỹ ở thôn Mới xã Tân Tiến cho hay: “Chúng tôi được dự án cho đi tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch đạt chuẩn, thế nhưng cái quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ đầu ra lại để nông dân chúng tôi “tự bơi”, chật vật lắm. Nếu cứ bấp bênh thế này, vụ tới tôi sẽ không tham gia dự án VietGAP mà quay trở lại trồng rau theo cách thường hiệu quả cao hơn”.

Cần mở thị trường cho rau VietGAP

 



Ông Nguyễn Văn Sinh  
 
Cần làm sao giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm, như thế rau VietGAP mới có cơ hội tiếp cận được thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”.
 
Bà Bùi Thị Thở - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Tiến cho biết, không thể phủ nhận rằng nông dân tham gia vào trồng rau VietGAP còn nhiều thiệt thòi. Bởi trồng rau theo quy trình VietGAP đầu tư khá tốn kém tiền của, công sức, tuân thủ quy trình sản xuất ngặt nghèo, trong khi đó sản xuất rau thông thường không chỉ dễ trồng mà còn nhanh được thu hoạch và bán được dễ dàng.

 

Mặt khác, trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng vẫn chưa thể phân biệt được đâu là rau trồng thường và rau VietGAP nên giá cả vẫn tính theo giá chung, làm cho nông dân không còn mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP.

 

Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho hay: Sau một thời gian áp dụng trồng rau VietGAP thấy thị trường bấp bênh, nông dân cũng bỏ nhiều, xã cũng chả biết làm thế nào cả. Theo ông Sinh, để bảo vệ được thương hiệu, thu hút nông dân tham gia vào dự án, dự án cần triển khai xây dựng quy trình luôn đi đôi với tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem